Những ghi nhận từ thực tế
(kỳ 1)
Tôi xin chia sẻ cuộc trao đổi giữa tôi và một người bạn thân khác tôn giáo về những thắc mắc mà đối với những người theo đạo phật thì là rất bình thường. Nhưng với bạn của tôi là những hoang mang và khó hiểu vì sự giải thích không cặn kẻ và mơ hồ của một người bạn khác làm cho thành kiến giữa hai người sâu thêm. Nay trích lạy một đoạn gọi là đóng góp cho việc làm sáng tỏa vấn đề. Nếu có gì sơ suất mong chư quí vị hiền đức bổ chính và chỉ dạy thêm giùm.
Vấn: a la hán là gì?
Đáp: a la hán là quả vị giải thoát cao nhất trong đạo phật. Nếu Theo tiểu thừa thì a la hán là Thanh Văn và Duyên Giác, những người này nhàm chán cõi đời nên khi giải thoát họ không muốn trở lại và an vị trong sự chứng đắc của họ. Vì thế, họ không thể trở thành Bồ Tát và Phật được. Còn theo đại thừa thì a la hán gồm Bồ Tát thực và Phật. Các Bồ Tát thực hiện các tâm nguyện hoằng pháp lợi sanh và từ từ tiến lên ngôi vị Phật.
Vấn: nếu vậy Thanh văn và Duyên Giác có hưởng an lạc như Bồ Tát và Phật không?
Đáp: tất nhiên khi thành a la hán cho dù là tiểu thừa hai đại thừa thì vẫn là quả vị của giải thoát và đều có an lạc như nhau, chỉ khác nhau chỗ hạnh nguyện và quốc độ sau khi thành đạo.
Vấn: cho ví dụ cụ thể.
Đáp: Thanh văn và Duyên giác giống như giám đốc kinh doanh thuộc dạng hộ gia đình hoặc qui mô kinh doanh nhỏ. Còn Bồ Tát thì giống như giám đốc tập đoàn kinh doanh xuyên quốc gia. Cả hai đều là ngôi vị giám đốc trên mặt pháp lý, nhưng quyền lực và uy tín của tập đoàn dĩ nhiên lớn mạnh hơn hộ gia đình. Cho nên ngày nay nhiều người thường tu theo pháp môn tịnh độ để dễ thực hiện hạnh bồ tát.
Vấn: sao tu theo tịnh độ dễ thực hiện hạnh bồ tát.
Đáp: khi sang cõi tịnh độ có hai cách để lựa chọn. Một là tu tập từ từ tiến lên ngôi vị phật và an vị ở cõi tịnh độ. Hai là thực hiện hạnh bồ tát trở lại cứu vớt chúng sanh rồi trở thành phật.
Vấn: khi trở lại trong vòng luân hồi để cứu vớt chúng sanh, họ có nhận ra họ là ai không?
Đáp: tất nhiên là biết rõ sứ mệnh của họ chứ. Giống như các trưởng phòng kinh doanh của các tập đoàn kinh tế được cử làm giám đốc khu vực để mở rộng kinh doanh, thì tất nhiên họ biết họ trực thuộc công ty nào rồi.
Vấn: vậy khi trở lại thế gian có khi nào họ bị luân hồi nữa không? Họ có quên việc tu tập của họ không?
Đáp: Không, họ không bị luân hồi như người bình thường. Chẳng hạn như các giám đốc chi nhánh của các tập đoàn kinh tế được đều về các khu vực để kinh doanh thì họ luôn được sự hỗ trợ của công ty mẹ, do đó họ không bao giờ sợ kinh doanh thua lỗ. Giống như vậy, khi trở lại để thực hiện hạnh bồ tát thì họ được phật lực hỗ trợ vì thế không bị luân hồi như người bình thường. Và lại càng không quên công việc tu tập của họ, cũng như các giám đốc chi nhánh không quên nhiệm vụ kinh doanh vậy.
Vấn: Nếu vậy thì sao mọi người không tu theo hạnh bồ tát để trở thành phật mà lại an vị thành a la hán như tiểu thừa.
Đáp: tất cả đều là hạnh nguyện của mỗi người. Nhưng nói chung dù là thanh văn hay bồ tát thì cũng đều giải thoát và không bị luân hồi. Giống như dù là trưởng phòng hay giám đốc chi nhánh của tập đoàn kinh tế lớn thì lương bổng và quyền lợi đều cao hơn người bình thường và không bị nghèo đói như trước.
Vấn: Cả hai đều đạt quả vị cao nhất, không còn luân hồi. vậy giữa thanh văn và Bồ tát khác nhau chỗ nào?
Đáp: như đã nói, cả hai khác nhau chỗ hạnh nguyện. Ví dụ như học vị Tiến sĩ là xem như cao nhất trên con đường học vấn. Khi trở thành tiến sĩ thì học vị là như nhau, nhưng có người thì sau khi thành tiến sĩ họ mở rộng nghiên cứu, phát minh và thực hiện các dự án lớn thì về lâu dài họ đủ tiêu chuẩn và được phong hàm giáo sư tiến sĩ, và họ có thể đào tạo trình độ ở cấp tiến sĩ. Nhưng nếu một người là tiến sĩ rồi mà họ chỉ dùng kiến thức để hỗ trợ cho nghề nghiệp thôi thì họ không thành giáo sư tiến sĩ được, và không thể đào tạo cho tiến sĩ, nhưng học vị của họ đều là tiến sĩ. Cũng vậy, Bồ tát giống giáo sư tiến sĩ, có thể phổ độ chúng sanh. Còn Thanh văn như tiến sĩ chỉ an vị thành quả của họ thôi.
Vấn: vâng, tôi đã hiểu.
Tôi có một người bạn họ luôn cầu nguyện thế này. Dù là phước nhỏ hay phước lớn con đều hồi hướng cho cha mẹ của con. Hồi hướng như vậy được không?
Đáp: tất nhiên là rất tốt, vì đó là xuất phát từ lòng hiếu thảo
Vấn: nhưng tôi nghĩ ai làm nấy chịu, sao lại có thể chuyển phước cho người khác được.
Đáp: tất nhiên là không thể chuyển hết phước được, nhưng cũng chuyển được khoảng 20% cho cha mẹ đấy chứ. Ví dụ như, một người đạt được một giải thưởng cao quý như Nobel chẳng hạn. Thì trong 10 phần danh dự anh ta có được, cha mẹ người đó cũng hưởng lây được một hoặc hay phần danh dự với xóm làng. Chứ không thể chuyển hết danh dự cho cha mẹ được.
Vấn: nếu vậy con cái làm phước hay làm ác cũng đều ảnh hưởng đến cha mẹ sao?
Đáp: Tất nhiên là phước hay họa ai làm nấy chịu, nhưng đều có sức ảnh hưởng đến người thân. Nếu bạn được mọi người khen ngợi quí mến, thì cha mẹ được vui vẻ và tự hào. Ngược lại, bạn làm việc sai trái pháp luật, bị mọi người khinh thường. Thì cha mẹ xấu hổ, nhục nhã với xóm làng. Có câu: Nhứt nhơn đắc đạo cửu huyền thăng mà. Tức là một người đắc đạo cứu cả cửu huyền thất tổ.
Vấn: Một người đắc đạo có thể cứu cả họ sao? Xin cho ví dụ
Đáp: thì giống như một người làm quan cả họ được nhờ. Nên khi đắc đạo thì cửu huyền thất tổ cũng được cứu theo.
Vấn: Bạn tôi theo một ông thầy để tu, thầy nó bảo ổng có thần thông biết trước được quá khứ vị lai, nên bảo nó có căn tu và theo ổng. Giờ nó bỏ nhà theo ông thầy đó, không lo làm ăn và cũng chả lo cho mẹ già của nó ở nhà nữa. Vậy trường hợp này bạn nghĩ sao?
Đáp: Ngày này có nhiều người tự đứng ra lập phái, rồi mượn tông nọ phái kia, biết được chút ít rồi dùng lời tà mị để cuốn hút quần chúng. Vì vậy hãy cẩn thận kẻo lầm đường thì khổ bản thân.
Vấn: Vậy sao phân biệt được chánh tà?
Đáp: Nhìn phật giáo mà tìm cái lý, xem tại sao ta phải tu hành. Ngày xưa đức Phật từng dạy các đệ tử, không nên nghe lời của bất cứ ai, ngay cả lời của thầy mình. Mà phải xét xem lời nói ấy có mang lại lợi ích cho nhiều người, có hợp tình hợp lý hay không, có mang đến kiến thức để giải quyết vấn đề sanh tử, hay đau khổ không?
Vấn: nhưng ông thầy của bạn mình cũng giúp người trị bệnh không lấy tiền, rồi cũng nhận đệ tử vào tu, không đòi hỏi gì hết. Nghe nói ông thiếu nợ rất nhiều vì vay tiền để giúp người khác?
Đáp: việc trước mắt thấy vậy, cũng khó phân biệt được chánh tà. Vì ngày nay các đạo tà mưu khéo âm thầm, dùng nhiều hình ảnh thánh thiện để lừa gạt quần chúng. Nên cũng phải xem ông ta dạy những gì, rồi mới phân biệt được.
Vấn: nghe nói ổng là la hán tái thế, tu hành từ nhỏ nên đang triệu tập các đệ tử cho đủ số lượng sau này phán xét nhân loại.
Đáp: Nếu đúng vậy thì tốt nhất nên xa lánh người này. Vì ngày nay có hàng trăm người xưng hô như thế, rồi triệu tập để tử nào là long xà hổ nguyệt để hộ pháp. Người không hiểu ham thích chức vị rồi đi theo mà uổng phí cả một đời.
Nếu là một la hán xuống thế thì sứ mệnh đâu đơn giản như vậy. Ít nhất cũng tầm ảnh hưởng như Khổng Tử, Lão Tử, Jesu hay thánh Gandi. Chứ đâu ở lén lút xưng thần xưng thánh vậy.
Vấn: thì ổng tu từ nhỏ mà, ổng có thần thông nên khi triệu tập đủ người rồi mới phát triển mối đạo.
Đáp: việc tu từ nhỏ không nói lên được có đắc đạo hay không. Giống như một người tự hào ở lại lớp một hàng chục năm, rồi bảo tôi có nhiều bạn bè lớp một lắm thì quả thật là buồn cười. Tu cốt ở hiểu và biết được đạo, và vận dụng nó để mang lại lợi ích cho nhiều người. Nếu một người đắc đạo lại càng không tiết lộ mình có thần thông, lại càng không sử dụng thần thông vì đó là điều cấm kỵ. Nếu cho phép thì ngày xưa phật đã cho các đệ tử dùng thần thông để cứu người rồi, trừ Maha Ca Diếp (vì ông có hạnh nguyện dùng thần thông cứu người trước một vị phật quá khứ)
Vấn: nhưng ông thầy này nghe nói trị bệnh giúp nhiều người lắm. Có điều tôi muốn biết ổng dùng các bộ phận của con vật để trị bệnh, như thế có tội không?
Đáp: Bất cứ hành động nào liên quan đến sinh mạng đều có nhân quả đi kèm hết. Quan trọng là tâm nguyện và sự hồi hướng của người đó trong lúc sử dụng con vật đó như thế nào. Nếu dùng công đức cứu người để hồi hướng cho con vật mà mình mượn cơ thể nó để điều trị thì có thể tạm chấp nhận, nhưng không nên quá lạm dụng. Vì lạm dụng thì lâu ngày sẽ tích lũy thành nghiệp
Vấn: Ông ta không trực tiếp giết nó, mà chỉ mua lại từ những người khác rồi mang về trị bệnh, như thế có tội chăng?
Đáp: Trường hợp bất đắc dĩ lắm mới dùng sinh vật để cứu người, vì sinh vật cũng là một chúng sinh. Trừ phi sinh vật đó tự nguyện hiến thân để cứu người thì không có tội. Nhưng hiếm khi có con vật nào chấp nhận điều đó. Hơn nữa một người tu thì càng không nên dùng sinh vật để cứu người khác, cho dù có hạnh nguyện tốt đi nữa, nhưng cũng gián tiếp tạo nghiệp vì tạo ra cung cầu sát giết. Mình không giết nhưng người khác biết mình cần nên đi giết con vật để bán lại cho mình. Như thế lâu ngày tội vay mượn thân xác sẽ tăng, mà nợ càng nhiều thì càng phải trả, té ra tu càng lâu càng bị luân hồi.
Vấn: Bạn mình tin ông thầy lắm, giờ mẹ nó bảo gì nó cũng không nghe, trong khi mẹ ở nhà già yếu mà phải đi làm kiếm sống. Nó nói rằng nó lên chùa tu là để cầu cho cha mẹ nó được phước và hết nghèo khổ. Cầu như vậy có tác dụng không?
Đáp: Nếu trên đời này quả thật có chuyện đó thì mọi người không nên làm việc chi cho cực. Tất cả kéo lên chùa cầu nguyện thì tự nhiên nhà nhà đều giàu có, xã hội đều giàu có không cần nỗ lực sản xuất làm gì.
Vấn: Nhưng nó bảo ngày xưa Phật thích ca cũng bỏ gia đình đi xuất gia, cuối cùng thành đạo và cứu được cha mẹ. Ngày nay nó cũng làm như thế có gì là sai.
Đáp: Tôi thấy nhiều người bị kẹt chỗ lý luận này. Khi bảo sao không ở nhà lo cho cha mẹ mà đi tu thì đều đưa ra cái lý như vậy. Tôi nói chuyện thực dụng một chút nhé. Ngày xưa Phật thích ca là gì? Là thái tử, con vua. Ngài có bỏ đi thì vợ con Ngài cũng ăn sung mặc sướng, Cha mẹ ngài cũng có người chăm sóc không phải lo đói khát. Ngày nay, bắt chước phật bỏ gia đình, bỏ vợ con, bỏ cha mẹ đi tu, trong khi ở nhà vợ con đói khác, cha mẹ túng thiếu, con cái không ai dạy dỗ rồi tạo tác việc ác, lúc đó ai chịu. Tu có đắc đạo tại thế như phật thì còn chấp nhận được, nếu tu không đàng hoàng thì có phải tạo khổ nghiệt cho cả bản thân và gia đình không.
Hơn nữa, sự ra đời, xuất gia, thành đạo, nhập diệt của Phật đều là phương tiện hết, chẳng hạn như Phật từ trên trời bay xuống thì dạy đạo không ai nghe vì thấy khó tu. Còn nếu Phật sinh trong gia đình nghèo khó, không vợ, không con mà xuất gia tu đắc đạo thì người ta cũng không theo, vì họ sẽ nghĩ rằng tại ổng nghèo nên mới đi tu, hoặc ổng không có vợ đẹp, con xinh, có thử như người ta xem có đi tu được không? Phật phá bỏ kiến chấp con người nên hiện thân trong sự đầy đủ của dục lạc thế gian và khước từ nó để trở thành chánh giác. Do đó ngày nay đệ tử phật mới nhiều như vậy. Vì thế đừng có bắt chước Phật thích ca mà làm chuyện xa vời.
Vấn: nói vậy thì ở nhà chăm sóc cha mẹ, lo làm ăn thì cũng tu được sao?
Đáp: Có câu: dục tu tiên đạo tiên tu nhân đạo, nhân đạo bất tu tiên đạo viễn hỉ. Tức là muốn tu thành tiên thì trước hết tu nhân, đạo nhân chưa tròn thì tiên đạo còn xa lắm. Vì thế phụng kính cha mẹ cả vật chất lẫn tinh thần để đáp tròn hiếu đạo. Lo làm ăn chân chất, tạo dựng nghiệp lành, vừa làm ra của cải vật chất vừa bố thí tạo tác phước điền, vừa tu tâm dưỡng tánh thì từ từ cũng lần bước vào con đường giải thoát. Vì thế thời đại vật chất như ngày nay thì tu theo con đường này là tiện lợi nhất.
Vấn: Vậy thì không nên xuất gia vào chùa à?
Đáp: Nếu xuất gia thì phải hi sinh, cả vật chất lẫn tinh thần vì đạo pháp. Tu hành chơn chánh không bị vật chất lôi cuốn, thực hiện hạnh bồ tát mang lại lợi ích cho chúng sanh thì con đường này trở thành chánh giác nhanh hơn ở tại gia nhiều. Nhưng chỉ e rằng, thời đại kim tiền, những người tu chơn chất không có chỗ đứng vững vì bị những cám dỗ, tham vọng của người đời xoay chuyển biến chánh pháp thành công cụ tư lợi. Chứ không phải nói rằng xuất gia là không được.
Vấn: Xin cho ví dụ
Đáp: Thay vì người đến chùa để nghe pháp, để học những đức tánh cao cả của phật, để bảo hộ chánh pháp, để giáo dục con cái theo tư tưởng từ bi bác ái của nhà phật. Thì đa phần họ đến chùa là để cầu phước, bảo vệ lợi ích thân thế, địa vị, xin thần cầu thánh ban phước. Vì thế nếu nhà chùa không đáp ứng những tham vọng đó thì họ không ủng hộ nữa. Ngược lại, nếu nhà chùa giảng dạy đúng chánh pháp, khuyên phá bỏ mê tín dị đoan, khuyên trở về bản tâm để tu hành thì người ta không muốn nghe, vì thế để thích nghi một số chùa tạo ra việc cúng kiến, bói toán, xem họa tốt xấu làm hài lòng phật tử. Như thế chẳng phải lâu ngày chánh pháp không còn chỗ đứng không!
Vấn: Như vậy đi chùa như thế nào cho đúng?
Đáp: tất nhiên đến chùa lễ Phật là tốt, cầu cho cha mẹ được phước báo cũng là điều tốt. Nhưng quan trọng nhất là đến chùa để trãi nghiệm cảm giác tâm linh, tức là chiêm ngưỡng những tướng tốt của phật, quán xét những hạnh lành của phật, lòng từ bi của phật đối với chúng sanh rồi tự thức tĩnh bản thân phải nỗ lực phấn đấu làm lành lánh dữ, tu tập theo những điều lành phật dạy, dẹp trừ những điều ác. Nói chung là phản tỉnh tâm hồn của mình thì đi chùa mới có tác dụng tích cực.
Vấn: Làm sao mới gọi là làm lành lánh dữ?
Đáp: làm lành lánh dữ có hai mặt lý và sự. Về sự thì những việc thuộc về đạo đức xã hội, thuộc phạm trù bên ngoài như hiếu thảo cha mẹ, làm phước bố thí, kính trọng người hiền đức, vv thì gọi là làm lành. Đừng vi phạm pháp luật, không kết giao bạn xấu, không trộm cướp, không giết người, đừng chửu cha mắng mẹ, vv là lánh dữ. Đó là thuộc về phần sự. Còn về lý thì thuộc phạm trù bên trong, phạm trù tâm lý, tức là luôn nghĩ đến việc lành, giữ tâm trong sạch, tư tưởng chơn chánh, vv thì gọi là làm lành. Đừng nghĩ điều ác, đừng phóng tâm vọng động, bỏ những tà niệm, vv thì gọi là lánh dữ. Đó là thuộc về lý. Như vậy đối với người tu chỉ làm hai đều này cũng đủ rồi.
Vấn: cũng dễ mà khó nhỉ. Vậy nhiều người đến chùa để cúng dường thì họ có công đức không?
Đáp: cúng dường tất nhiên là có phước đức chứ không nói là có công đức. Nhưng cũng tùy tâm nguyện của người cúng dường. Nếu cúng dường mà không phát nguyện rộng lớn, không chuyển đổi thành công đức thì chỉ được hưởng phước nhân thiên thôi. Còn nếu cúng dường với tâm nguyện rộng lớn, không cầu phước báo nhân thiên thì sẽ được hưởng công đức. Công đức và phước đức là hai phạm trù khác nhau. Giống như chất lượng sản phẩm và số lượng sản phẩm vậy.
Vấn: xin cho ví dụ
Đáp: Ví dụ một người có tiền đem gởi ngân hàng lấy lãi suất, thì chỉ hưỡng được số lãi nhỏ thôi không thể tăng số tiền vốn có của mình lên nhiều được. Một người khác thì dùng tiền đầu tư kinh doanh, mở rộng sản xuất thì lâu ngày họ lớn mạnh và có thể trở thành chủ doanh nghiệp. Cúng dường tạm hiểu giống vậy, người cúng dường cầu phước giống như gởi tiền ngân hàng. Còn người cúng dường vì công đức thì giống như người dùng tiền để mở cơ sở kinh doanh.
Vấn: như vậy cùng là hành động cúng dường mà kết quả khác nhau đến thế à.
Đáp: Đúng vậy, cúng dường hoặc bố thí nằm ở chất lượng chứ không nằm ở số lượng
Vấn: có nghĩa là sao
Đáp: như ngày xưa bà lão ăn xin cúng phật một đồng xu tiền mua dầu, nó rất ít so với nhà vua mua rất nhiều dầu và đèn để cúng dường cho phật, nhưng đó là tất cả gia tài, tất cả tấm lòng thành kín của bà dâng hết cho phật. Nên ngọn đèn của bà cháy sáng hơn tất cả các ngọn đèn của vua, và không ai có thể thổi tắt nó được cho dù Mục Kiền Liên thần thông quảng đại cũng không thổi tắt nó. Tại sao? Vì nguyện lực và tâm thành của bà già quá lớn, trong khi tâm thành của nhà vua không to lớn dù cúng nhiều đèn hơn bà lão. Trường hợp khác nữa là Vua Lương Võ Đế, tạo chùa chiền khắp nước tu hành nhưng khi vua hỏi Tổ Đạt Ma có công đức không? Tổ nói không có công đức. Sau vua bị chết đói trong thành vì tâm vua vẫn còn ác. Cho nên nói bố thí khác nhau chỗ chất và chỗ lượng là vậy.
Vấn: nhưng thấy nhiều người cứ đỗ xô bố thí, còn bố thí rất nhiều tiền bạc nữa, không biết họ có hiểu được ý nghĩa mới nói đó không?
Đáp: cũng khó biết vì mình đâu nhìn thấy bên trong của họ được
Vấn: mà tôi thấy nhiều người theo phong trào đi 10 kiểng chùa, hoặc trăm kiểng chùa, như vậy có tốt không?
Đáp: vấn đề là mục đích viếng chùa là gì, chứ chuyện một hay nhiều thì không quan trọng. Tuy nhiên ở góc độ nào đó đi chùa lễ phật vẫn có phước báo, vẫn tốt chứ không sao cả, cho dù người đó có chủ ý hay không chủ ý.
Vấn: có thể cho ví dụ được không?
Đáp: giống như một người đi vào rừng trầm hương, tuy không đốn gỗ trầm hương mang về nhưng họ vẫn ngửi mùi hương trầm nhưng ngắn ngủi. Còn nếu họ đốn mang về thì họ được ngửi mùi trầm lâu hơn tại nhà. Cũng vậy nếu đến chùa cúng phật theo kiểu công đức thì giống như người đốn gỗ trầm hương mang về vậy.
Vấn: Ừ tôi đã rõ. Còn việc bố thí cũng có ý nghĩa tương tự như vậy phải không?
Đáp: Đúng vậy, tuy nhiên bố thí có ba cách. Mỗi cách có công dụng và phước điền khác nhau.
Vấn: đó là ba cách gì? Và phước báo ra sao?
Đáp: thứ nhất là tài thí. Tức là bố thí bằng con đường vật chất, như cho quần áo, cơm nước, nhà tình thương, vv. Bố thí này thì được hưởng phước thế gian
Thứ hai là pháp thí: tức là bố thí bằng phương tiện ngôn ngữ, bằng phương pháp trí tuệ chứ không phải bằng con đường vật chất. Chẳng hạn bạn có ăn học, hiểu biết khoa học, rõ được đúng sai thì khi gặp một người mê tín, một người mù chữ bạn giải thích cho họ hiểu để khỏi lầm lạc, dạy cho họ biết cách đọc để khỏi mù chữ. Hoặc hướng dẫn một người nghèo khổ nào đó cách thức để họ sinh sống, phương pháp để họ mua bán sao cho họ thoát khỏi cái nghèo đói, đó cũng là pháp thí. Tuy nhiên đối với những người tu hành thì dùng chánh pháp mà mình am hiểu giải thích giáo lý tường tận cho người khác hết mê lầm, khuyên người bỏ ác về thiện, làm lành lánh dữ,… thì đó là pháp thí. Bố thí này bạn sẽ được phước báo trí tuệ.
Thứ ba là vô úy thí, tức là bố thí xả thân, không ngại hi sinh nhằm mang lại lợi lạc cho chúng sanh. Thường là những người thực hiện hạnh bồ tát. Bố thí này thì phước báo và công đức đầy đủ.
Vấn: cái thứ ba khó quá, chắc làm không được.
Đáp: nói chung trong quá trình thực hiện hai bố thí đầu mà có dụng tâm to lớn thì nó cũng đã hàm chứa cái bố thí thứ ba rồi.
Vấn: trước giờ cứ tưởng bố thí là đem cho tiền bạc, vật chất chứ đâu nghĩ có hai cái nữa nên không biết tận dụng.
Đáp: đó cũng là cái sai lầm khi người ta nghĩ rằng không có tiền, họ sẽ không thực hiện hạnh bố thí, vì nghèo sao bố thí được. Vì vậy bỏ đi rất nhiều cơ hội. Ví dụ khi bạn ra đường gặp một cây đinh, một võ chai bị vỡ bạn chỉ cần nhặt nó bỏ vào trong sọt rác thì phước báo của bạn cũng rất to lớn. Vì sao, vì khi bạn nhặt nó trong lòng bạn đã nghĩ rằng nhở ai đạp phải thì khổ người ta, tức là bạn đã có lòng bồ tát vì nghĩ tới lợi ích cho người khác. Xung quanh ta, có rất nhiều cơ hội để mình thực hiện hạnh bố thí chỉ cần chịu khó quan sát và nhận ra chúng.
Vấn: Ồ, nếu thế thì hay quá, trước giờ tôi cứ nghĩ giúp người phải cho họ tiền bạc, đâu ngờ có những cách còn phước báo hơn. Như vậy mình ở tại nhà lo cho cha mẹ, làm việc bố thí, làm lành lánh dữ thì cũng xem như là đi tu phải không?
Đáp: đúng vậy. Xuất gia hay tại gia không quan trọng, vấn đề là biết đi đúng con đường thì sớm muộn gì cũng tới đích. Nếu xuất gia mà tu hành đàng hoàng thì tất nhiên là nhanh hơn tại gia. Ngược lại tu không tới đâu thì tu ở nhà được nhiều phước báo hơn. Vì không phải mắc nợ cúng dường của bá tánh thập phương.
Vấn: bạn tôi nói rằng tôi ăn mặn, lại theo chúa nên tu không có ích lợi gì đâu. Còn nó có căn tu, trình độ nó cao lại có thầy nó là la hán tái thế hỗ trợ. Như vậy có đúng không?
Đáp: Tu hành nào luận chỗ mặn hay chay. Miễn tâm mình thanh tịnh thì sẽ tiến hóa trên con đường giải thoát thôi. Ăn uống chỉ là phương tiện nuôi dưỡng xác thân. Hơn nữa „chay được tánh chay tâm“ mới quí. Nếu ăn chay mà giải thoát thì trâu, bò, khỉ trong rừng giải thoát hết rồi. Còn việc theo chúa hay theo Phật thì không vấn đề gì, nếu một người có niềm tin về tội phước, làm thiện tránh ác thì không phải đạo phật, hay theo đạo chúa vẫn có thể tiến hóa đi lên. Phật hay Chúa đều dạy con người hành thiện tích đức hết, do đó nếu còn khởi tâm phân biệt đạo này hơn đạo kia thì thật người đó chưa hiểu đạo. Tuy nhiên nếu mình có quyết tâm để thoát khỏi luân hồi thì phải nỗ lực tu tập, lúc đó phải xem giáo pháp nào hợp mới mình rồi lựa chọn mà hành trì theo và nghiên cứu sâu thêm.
Vấn: vậy tu có phải cần căn cơ cao mới tu được không? Làm sao biết mình có căn hay không căn?
Đáp: chỉ có Phật mới biết được chúng sanh nào căn cơ cao hay thấp mà tùy thuận thuyết pháp. Tuy nhiên nếu sinh ra ở thời mạc pháp này thì đừng luận căn cơ cao hay thấp, vì cũng kẻ tám lạng người nữa cân thôi, nếu không thì đâu bị trầm luân đến ngày hôm nay. Vì thế ngày nay cho dù cao hay thấp người ta thường chọn pháp môn tịnh độ, niệm phật cầu vãng sanh, vì nó thích hợp với tất cả mọi người.
Vấn: À thì ra hay nghe người ta niệm A Di Đà Phật, là theo tịnh độ phải không? Mà chỉ niệm phật thôi lại được phật cứu thì những tội lỗi kiếp trước của mình thì sao? Ai sẽ trả?
Đáp: Đó là hạnh nguyện của Phật A Di Đà, nguyện cứu tất cả ai cầu sinh về thế giới của Ngài, rồi lần lần tu tập đến chánh giác thành phật. Lúc đó thì quay lại cứu độ những linh hồn, oan gia mà mình vay mượn kiếp trước. Giống như một người thiếu nợ, không có khả năng trả, nay được một ông phú hộ bảo lãnh cho về nhà làm việc rồi trích lương trả từ từ, trước sau gì không hết nợ chứ.
Vấn: Vậy xem ra tu theo tịnh độ dễ hơn các pháp môn khác. Nên thấy ai cũng theo hết.
Đáp: nói dễ thì không dễ, nhưng khó cũng không khó. Tu theo tịnh độ cần nhất 3 yếu tố, đó là tín sâu, nguyện thiết, và hành chuyên. Chứ không có 3 yếu tố này thì niệm phật cũng không được gì.
Vấn: xin cho ví dụ và nói rõ hơn một chút
Đáp: Tín là tin có phật a di đà cứu độ mình, có phật a di đà trong tâm mình. Nguyện là cầu khi lâm chung được về cõi của ngài, thiết tha xin về cõi tịnh độ không hề quên lãng. Còn hành trì là phải nổ lực tinh tấn niệm phật, không chểnh mãn, cũng không buông lơi cho đến lúc lâm chung. Nếu thiếu 3 điều này thì rất khó mà thành tựu được. Ví dụ như một người muốn sinh sống nước ngoài thì phải có đầy đủ điều kiện mới đi được. Phải có người bảo lãnh, phải học ngoại ngữ, phải muốn sống ở nước mình muốn đến. Nếu không thì chỉ là nói suông thôi.
Vấn: à, cũng không đơn giản nhỉ. Phải tin tưởng và cầu mới được, tưởng đâu chỉ niệm là được cứu.
Đáp: thì cũng giống như bạn theo Chúa, thì phải hội tụ đủ ba điều kiện. Phải có niềm tin với chúa, tin có thiên đàng, tin có chúa ngự trị trong lòng (Còn gọi là Thánh Linh). Phải cầu nguyện để chúa đưa về thiên đàng sau khi chết. Và phải thực hiện những điều chúa dạy và thường xuyên đi lễ. Tịnh độ cũng như thế.
Vấn: Đúng như vậy. Sao tôi nghe nói nếu chỉ cần niệm 10 tiếng phật trước lúc chết sẽ được phật cứu. Có chuyện đó không?
Đáp: Đúng là có chuyện đó. Vì Phật A Di Đà có phát nguyện sẽ cứu những ai thành tâm niệm từ 1 cho đến 10 tiếng phật trước lúc lâm chung sẽ được ngài cứu độ. Nhưng nên nhớ kỷ là niệm phật nhất tâm bất loạn mới được cứu, chứ không phải niệm suông 10 tiếng là được cứu đâu. Mà để được nhất tâm bất loạn là cả một quá trình tu tập chứ đâu phải dễ, vì trước lúc lâm chung tâm hồn con người rất dễ bị bấng loạn, cận tử nghiệp và các nghiệp lực quá khứ tràn về rất khó mà nhất tâm được. Vì thế mới nói là phải thực hành tín, nguyện, hạnh thường xuyên thì lâm chung mới mong là tỉnh tảo được.
Vấn: Nếu thế thì ở nhà có thể tu theo tịnh độ không? Hay phải vào chùa như thằng bạn của mình mới tu theo tịnh độ được.
Đáp: bất cứ nơi đâu, bất cứ khi nào cũng niệm phật được. Đi, đứng, nằm, ngồi đều niệm phật không hề gián đoạn thì tu ở nhà hay ở chùa kết quả cũng được như nhau.
Vấn: vậy lúc mình đi làm thì sao niệm được.
Đáp: làm việc thì cứ tập trung mà làm, còn lúc nào không làm thì phải nhớ niệm phật. Chứ bỏ công ăn việc làm chỉ để ngồi niệm phật thì lấy gì mà ăn, lấy gì làm phước được. Tu thì cũng phải có trợ duyên chứ, phước huệ song tu mới vững tiến được. Vừa làm vừa tu nó mới vững.
Vấn: Ừ. Thế thì tôi sẽ ở nhà lo làm ăn cung phụng cha mẹ, rồi làm phước bố thí như nãy giờ trao đổi, giờ tôi hết hoang mang vì nghe thằng bạn nó nói tôi là phàm phu tục tử, theo chúa không tu được. Còn nó thì xuất gia, căn cơ cao, sau này phán xét thế gian gì đó.
Đáp: Cười. Bạn cứ làm thế đi, tôi tin chắc bạn sẽ có tiến bộ trên đời sống tâm linh và cả ngoài đời nữa. Còn việc thằng bạn đó thì xem như duyên của nó là như vậy, bận tâm làm gì. Tu thời gian sẽ rõ thực hư thôi mà. Còn chuyện phán xét thế gian gì đó thì quả thật là buồn cười. Thôi tùy duyên vậy.
Vấn: Ừ, cám ơn bạn nhiều. Có gì không rõ tôi sẽ hỏi tiếp.
Đáp: Rất sẵn lòng. Đời người có 4 cái khó mà. Thân người khó được, Chánh pháp khó nghe thấy, Bạn lành khó gặp được và khó sinh được ở thành thị văn minh. Nay bạn có được 4 yếu tố đó cũng xem như là có duyên lắm rồi.