"Dù bị đau đớn quằn quại, tôi vẫn tha thiết yêu thương trần gian điên dại này"


Năm tốt nghiệp phổ thông cơ sở, do thành tích xuất sắc nên tôi đã thi đỗ vào trường chuyên của xã, bố tôi vẫn chưa hài lòng, ông mong muốn tôi học trường chuyên của tỉnh. Trước đây, bố tôi từng là người tài giỏi trong huyện, từng là lớp trưởng, chủ tịch hội sinh viên, nhưng không may gặp phải cải cách văn hóa, đành phải trở về quê làm ông giáo làng. Thật may chủ nhiệm Lưu làm chiêu sinh trên tỉnh là bạn học cũ của bố, cô nói tỉnh sẽ mở thêm một “lớp anh tài” thông qua thi để chọn.

Bố tôi vui lắm, quyết định tự mình đưa tôi lên thành phố để thi cạnh tranh anh tài. Ông đặt hết mọi ước mơ năm xưa chưa thực hiện được vào tôi. Bố đã thức cả đêm trước khi tôi vào thành phố thi để dặn: “Con trai, con phải nhớ, con tằm xấu xí sau khi cắn bỏ hết mấy lớp kén sẽ trở thành con bướm xinh đẹp...”.

Hôm thi, hai bố con tôi từ sớm đã đón xe vào thành phố. Trường thi ở gần trung tâm thành phố. Vừa tới nơi, một phụ nữ trung niên ra đón chúng tôi, nói lớn: “Anh lớp trưởng, hoan nghênh, hoan nghênh. Con trai anh giống y như anh năm nào, đúng là hổ phụ sinh hổ tử”. Cô ấy chính là chủ nhiệm Lưu. Ông bố oai phong hằng ngày trên bục giảng của tôi bỗng chốc biến thành kẻ hèn kém trước cô ta, chân tay không biết để đâu. Tôi từng nghe bố kể, chủ nhiệm Lưu trước đây rất sùng bái ông, suốt ngày chạy theo để hỏi bài, đuổi cũng không đi... Hôm nay không rõ tâm trạng bố thế nào?

Trước cổng trường vô cùng náo nhiệt, rất nhiều ô tô đời mới được lái tới. Giữa đám ô tô san sát, hai bố con tôi trông thật đáng thương. Chủ nhiệm Lưu nhìn đoàn xe đi lại tấp nập, nói: “Những người này đều là đưa con đến thi, không là giám đốc thì cũng là ông chủ nhiều tiền, ai cũng mong con mình thành tài”. Nhìn những “tiểu hoàng đế” từ ô tô bước xuống, tôi có chút tự ti, không biết có thắng nổi họ không? Đúng lúc tôi đang suy nghĩ thì tiếng chuông gọi vào thi vang lên. Tôi nghe thấy chủ nhiệm Lưu nói nhỏ với bố: “Anh yên tâm, tôi trông thi”.

Bố tôi còn căng thẳng hơn tôi, khi tiễn tôi vào phòng thi, ông còn tranh thủ động viên: “Con trai, đời người cần phải đi con đường rất dài, nhưng chỉ có một vài cửa ải, ví dụ kỳ thi hôm nay là một cửa ải, bố đợi tin tốt của con”. Trước lúc bước vào phòng thi, tôi quay đầu lại nhìn bố, bố giống như cây nhỏ đang run rẩy trong những ngày đông băng giá.

Tôi tự hứa, vì bố, tôi nhất định phải đạt được thành tích tốt. Sáng thi văn, sử, địa. Bài thi phát ra, vừa nhìn thì thấy toàn câu hỏi trắc nghiệm, dường như không cần phải viết một chữ nào, chỉ cần gạch chéo hoặc khoanh tròn là được. Đọc câu hỏi dễ tới mức khiến tôi phải giật mình. Đây mà là thi để tìm anh tài sao? Có phải nhầm đề thi không? Tôi do dự không viết, nhìn chủ nhiệm Lưu với ánh mắt hoài nghi. Chủ nhiệm Lưu đã hiểu lầm, vội bước tới giả vờ nói với tôi: “Em cứ bình tĩnh, từ từ mà làm, thời gian vẫn còn đủ”. Trong lúc nói, một đáp án bài thi đã rất nhanh được đặt xuống dưới bài thi của tôi. Tôi cảm thấy vô cùng xấu hổ, một đề thi dễ như thế này mà phải cần đến trò này sao? Tôi không do dự lấy tờ đáp án ra, vo tròn lại rồi ném ra ngoài cửa sổ.

Nhìn vào bài thi tôi thục mạng khoanh tròn, gạch chéo như một trò chơi. Chủ nhiệm Lưu đỏ mặt xấu hổ, vội ra ngoài nhặt cục giấy tôi vo tròn ném ra ngoài đó, sau khi trở lại hai mắt cô luôn nhìn đi chỗ khác không dám lại gần tôi nữa. Không hiểu sao cô ấy không ngồi yên và luôn chạy ra chạy vào. Chỉ cần cô ấy vừa ra ngoài, trong phòng thi như một đàn ong vỡ tổ, di động không ngừng kêu, thí sinh người thì liên lạc ra ngoài, người thì nhìn lên trên hoặc nhìn xuống dưới để chép bài, không giống như phòng thi một chút nào mà giống như cái chợ tự do hơn.

Bỗng nhiên, phía sau có người dùng tay gãi vào lưng tôi: “Này, anh bạn, kết bạn nhé”. Tiếp đến, tôi nhận được một đề thi còn trắng từ phía sau chuyển lên, trong bài thi kẹp một tờ một trăm tệ. Tôi quay đầu lại nhìn thì thấy một khuôn mặt béo tròn đang cười rất kiêu ngạo nhưng cũng rất đáng thương, lại nhìn cảnh tượng ồn ào xung quanh, tôi bỗng nhiên cầm bút và rất nhanh làm xong bài thi đó. Trong lúc làm tôi nghĩ, một trăm đồng trong tay những người này không có giá trị gì sao? Rất nhanh, tôi đưa bài thi đã được làm xong và một trăm đồng xuống dưới. Cậu có khuôn mặt béo tròn đó nói nhỏ một câu: “Cao thủ” và đút tiền vào túi áo tôi. Tim tôi đập nhanh, tôi giả vờ như không nhìn thấy, trong lòng nghĩ đây coi như là “tiền thù lao”, hơn nữa tiền của những con người này không phải mồ hôi, nước mắt của bố mẹ chúng, được dùng trong tay tôi có thể là có ích, dùng trong tay họ không chừng lại làm những chuyện lăng nhăng.

Tôi là người đầu tiên bước ra khỏi phòng thi, trong lòng rất mâu thuẫn. Bố đón tôi, vội hỏi: “Thi thế nào?”. Nhìn dáng vẻ lo lắng của bố, có cái gì đó nghèn nghẹn trong lòng, tôi không nói được gì, nước mắt cứ trào ra. Bố bỗng chốc thần người ra: “Sao? Thi không tốt à? Đề chắc khó lắm? Người ta chọn anh tài mà...”. Lúc này chủ nhiệm Lưu vội bước tới, vẻ mặt không tự nhiên nói với bố tôi: “Bài thi tôi đã xem qua rồi, điểm tuyệt đối, đúng là con trai anh, lớp trưởng. Trưa nay anh phải mời tôi đi ăn cơm nhé”. Bố không tin tôi được điểm tuyệt đối, ông đứng im bất động. Chủ nhiệm Lưu cảm động xoa đầu tôi nói: “Ôi, nếu tôi có được đứa con giỏi thế này, ngày nào tôi cũng sẵn sàng mời cơm”. Bố tôi nghe thấy vậy mới bình tĩnh lại nói: “Mời, tôi mời!”.

Trưa, bố tôi chọn một nhà hàng, đưa thực đơn cho chủ nhiệm Lưu nói: “Cô chọn đi, tùy chọn, cứ mạnh tay vào”. Xem ra bố hơi lo lắng. Tôi lớn như vậy rồi nhưng đây là lần đầu tiên cùng bố vào nhà hàng. Cũng may, những món mà chủ nhiệm Lưu chọn không đắt cũng không nhiều. Bố bớt lo lắng, còn nói lớn: “Cô cứ chọn, tôi có tiền...”.

Chủ nhiệm Lưu nhìn tôi nói: “Đừng giả vờ nữa, tôi thấy cả rồi. Anh không phải là người có tiền, người có tiền rất khó có được con giỏi như vậy. Anh không lừa được tôi đâu”.

Bố bị bóc mẽ, bỗng chốc im bặt. Trong bữa tiệc, chủ nhiệm Lưu hỏi tôi hết cái này đến cái khác, hết hỏi mẹ tôi rồi lại hỏi đến cuộc sống gia đình tôi. Bố ra hiệu cho tôi bằng mắt, tôi giả vờ như không nhìn thấy, nói hết sự thật: “Mẹ bị bệnh suốt năm nằm liệt giường, để cho tôi ăn học, trong nhà không còn gì đáng giá, ngay cả rượu, bố cũng cai không dám uống...”. Chủ nhiệm Lưu trầm tư suy nghĩ, sắc mặt dần trở nên nghiêm túc. Bố không chịu được nữa , quát: “Không nói nữa!”.

Chủ nhiệm Lưu vài lần định nói rồi lại thôi, cuối cùng cô cũng nói: “Anh ạ, có việc quên nói với anh, lớp anh tài thu phí rất cao, hay là...”. Chưa đợi chủ nhiệm Lưu nói hết, bố đã cắt ngang: “Tôi dù có phải bán cái nồi cuối cùng cũng phải để con học trường chuyên của tỉnh”. Chủ nhiệm Lưu vừa ăn vừa nói: “Nồi bán thì được mấy đồng? Theo như em được biết, lớp anh tài chỉ có tiền học không thôi một năm đã thu một vạn đồng, ba năm học không có năm sáu vạn không được”. Bố nghe thấy nói vậy, đũa trong tay rơi ngay xuống đất, năm sáu vạn đối với ông mà nói là một con số không thể tưởng tượng nổi. Lúc này, chủ nhiệm Lưu mới nói ra sự thật, lớp anh tài thực ra là lớp thu nhiều tiền, thi không đỗ vẫn cứ được học, thành tích chỉ cần không quá kém, nộp đủ học phí thì có thể vào học... Chủ nhiệm Lưu cười chua chát nói: “Trường nghèo quá, phải nghĩ ra cách này để cải thiện kinh tế. Sở giáo dục cũng nhắm mắt làm ngơ. Anh này, những lời này nếu như truyền ra ngoài chắc công việc của em coi như đi đời, em thấy con trai anh như vậy mới nói cho anh điều này, hôm nay, nó đã dạy cho em một bài học”. Bố không nói câu nào, chỉ uống hết cốc này đến cốc khác để giải sầu, dáng vẻ rất đáng sợ. Lúc này tôi mới tỉnh ngộ. Hóa ra lần thi này không phải kiểm tra tôi mà là kiểm tra túi tiền của bố. Bỗng nhiên, bố rót cho tôi một chén rượu: “Con trai, uống”. Chủ nhiệm Lưu đưa tay ngăn lại, tôi vội cầm lấy cốc rượu, một hơi uống cạn. Bỗng chốc tôi thấy máu trong người như bốc cháy, tôi hỏi: “Bố, chiều có thi nữa không?”. Không ngờ bố nói lớn: “Không thi”. Chủ nhiệm Lưu cảm thấy ngạc nhiên, trong mắt cô ấy chứa đựng một dấu chấm hỏi lớn. Bố cầm chén rượu lên thề với trời rằng: Ba năm sau bố sẽ lái xe đưa con đi thi đại học. Lúc này tôi hiểu bố đã uống say rồi, người say nhưng lòng không say.

Chiều, chủ nhiệm Lưu phải đi trông thi, liền gọi người phục vụ lại tính tiền và nhất quyết đòi trả. Bố trợn đôi mắt đỏ ngầu nói: “Bạn học cũ, cô xem thường tôi quá, khi về tôi sẽ đi buôn, một năm không kiếm được mười vạn tôi không phải là người...”. Ông lấy hết tiền xu, tiền giấy có trong người ra đặt hết lên bàn, nói với người phục vụ: “Không phải trả lại”. Chủ nhiệm Lưu vội nói: “Đáng bao nhiêu thì trả bấy nhiêu, tiền là tiền mồ hôi, nước mắt của anh!”. Bố tròn xoe mắt, cười lạnh lùng: “Tiền là cái gì, người mới là đáng quý”. Tôi kéo chủ nhiệm Lưu ra, vừa khóc vừa nói: “Cô hãy để bố cháu làm đại gia một lần”.

Chủ nhiệm Lưu đi rồi, vừa đi vừa nhìn lại...

Tôi dìu bố ra bến xe, ông vừa đi vừa trách mình: “Bố là một kẻ nghèo, hai kẻ nghèo ngay cả tiền xe cũng không có, ha ha... Đi, đi bộ về nhà!”. Tôi tranh thủ lúc bố không chú ý, cố tình cúi người xuống, lấy ra một trăm tệ đã kiếm đươc trong phòng thi, nói: “Con nhặt được một trăm đồng, hai bố con ta có tiền đi xe về rồi!”. Bố tin là thật, nghĩ rằng tiền này là nhặt được. Vậy là dựa vào phí lao động tôi kiếm được trong phòng thi, hai bố con tôi mới có thể về nhà bằng ô tô.

Có thể nói, lần thi đó bố đã thất bại, nộp giấy trắng, nhưng trong lòng tôi, bố thi rất tốt, có thể đạt điểm tuyệt đối.

Truyện ngắn của Ngô Thiên (Trung Quốc)
Trịnh Thị Diệu Huyền dịch

0 comments

Post a Comment

Bạn có thể chèn các biểu tượng cảm xúc cho lời bình của mình bằng cách gõ các ký tự như bảng chỉ dẫn sau:
:) :D :)) =)) ;)) ;;) ;) :p :X :-* :">
:( :(( =(( :-o 8-} >:) B-) 8-X :-" :-w More...