"Dù bị đau đớn quằn quại, tôi vẫn tha thiết yêu thương trần gian điên dại này"
Lúc tôi bước ra khỏi "ga trăng" (từ này do nhà thơ Xuân Diệu chế ra) đã xế chiều. Đúng là trên cung trăng có khác, trời xanh như cái chảo mực úp trên đầu, không hề có một gợn mây. Cuội ra đón, không ra mừng cũng chẳng tỏ vẻ khó chịu. Hắn hững hờ chìa tay bắt. Bàn tay hắn béo trắng, dày và mềm. Thằng này đúng là từ lâu không phải chăn trâu cắt cỏ, ngồi mát ăn bát vàng có khác.
- Chào mừng bác lên cung trăng. Em được cô Hằng phân công hướng dẫn bác. Có gì bác cứ yêu cầu.

- Thế cô ấy đâu mà cử cậu ra đón tôi? Tôi có thói quen đến cơ sở là phải làm việc trực tiếp với Tổng giám đốc. Làm việc qua trợ lý chả được cái gì cả.

Cuội không hề phật ý, lại còn cười, răng trắng ởn, cái mũi mọc giữa mặt cũng bành ra theo miệng cười:

- Chỉ sợ lúc gặp cô ấy bác lại tiếc...

Hắn nói thế rồi đi trước dẫn đường. Tôi theo hắn vòng qua cây đa vào một ngôi nhà ba gian hai chái. Rõ ràng nhà này làm cho Cuội theo kiểu ở dưới quê và cô Hằng phải ở chỗ khác. Cuội mời tôi uống trà sâm, trên bàn đầy hoa quả, thứ nào cũng to, trông có vẻ ngon hơn ở dưới đất.

- Cứ như tôi hiểu thì cậu và cô Hằng đã lấy nhau..?

Cuội khẽ thở dài, mắt nhìn ra cây đa ngoài cửa sổ:

- Vợ lẽ.

Tôi nhớ lại trích ngang của thằng này được đài 1080 liệt vào danh sách 100 truyện cổ tích kể cho trẻ con để ăn dỗ tiền điện thoại bố mẹ chúng. Trong chuyện không có chỗ nào chứng minh hắn hay nói dối. Chỉ tội lấy phải cô vợ hay quên, nên đã tè vào gốc cây đa thần để Cuội phải bám vào rễ đa bay lên cung trăng từ bấy đến nay.

- Nghe nói lá cây đa này làm thuốc rất tốt, có thể cải tử hoàn sinh - Tôi nhìn cây đa ngoài cửa hỏi để bắt chuyện vì thấy Cuội không mặn mà.

- Hồi ở dưới đất thì có thế. Ở trên này có ai đau ốm đâu mà cần thứ thuốc men lá lẩu. Ai cũng sống như nhau, chẳng già, chẳng chết...

- Thế là cậu cũng trường sinh bất tử?

- Thì ai chả thế. Đây có phải dưới đất đâu. Rồi hắn khẽ thở dài: Chán bỏ mẹ!

Ái dà dà! Mỗi tháng vào đêm rằm mình mới được nhìn thấy nó ngồi lờ mờ bé tí dưới gốc cây đa. Hôm nay được chứng kiến cu cậu đỏ da thắm thịt, lại thành tiên ông, không sợ bệnh tật, chết chóc. Thế mà hắn còn kêu chán.

- Thế hàng ngày cậu làm gì?

- Chả làm gì cả. Ở trên này không có ai phải làm việc.

- Thế lấy gì mà ăn?

- Có sẵn cả. Ở đâu mang đến thì em không rõ. Có hỏi họ cũng chẳng nói. Chắc là họ thu thuế ở chỗ nào đó mang về đây xài.

- Ra thế, không làm mà ăn sung mặc sướng. Thế có đài báo gì không? Dạo này dưới ta tivi nó chiếu nhiều phim chưởng hay lắm.

- Không có các thứ đó. Lúc buồn chỉ có bọn tiên nga đến múa hát cho vui.

- Chà, là "khúc nghê thường" cơ đấy!

- Có mỗi khúc ấy, nghe mãi, chán bỏ mẹ! Tối nay thể nào bác chẳng được chiêu đãi. Đoàn nào lên cũng có mục này.

Tôi bắt đầu lờ mờ hình dung về cuộc sống cung trăng. Thì ra chỉ vì để được sống mãi trong an nhàn, hưởng thụ mà họ phải cách biệt chúng ta đến thế.

- Thế cậu với cô Hằng có... sống với nhau...?

- Không sống, ai gọi là vợ chồng.

- Hồi cưới làm bao nhiêu mâm?

- Tiệc đứng, uống rượu, ăn hoa quả thôi. Đông lắm, nhưng em chả quen ai. Ăn uống song họ bay về các sao, các trăng của họ cả.

- Ở đây chỉ có vợ chồng cậu?

- Đúng ra chỉ có mình em, cô ta đi ngao du suốt. Thỉnh thoảng mới về. Họ tiệc tùng, hội họp luôn ấy mà. Việc của thần tiên, mình biết đâu mà dính vào.

- Này, tớ hỏi khí không phải, thế lúc... ngủ với tiên, cậu có thấy...

Cuội cười, trông mặt hắn chả có gì khác lạ:

- Bác biết là em từng có vợ rồi, cô ta con nhà khá giả, cũng xinh gái. Mà bác tính, đàn bà ai chả giống ai, tiên cũng thế mà trần cũng vậy.

Cái thằng này đúng là nó thành tiên thật, suy nghĩ rất giản đơn, gái dưới trần hay tiên trên cung trăng nó cũng xếp đồng hạng cả.

Một cô tiên con (vâng, trên này làm gì có người trần, trừ tôi) lướt vào: "Xin mời đại nhân và quý khách sang dùng bữa chiều". Cuội dẫn tôi đi ăn. Hắn bảo: "Bác tính cái thằng em bỗng nhiên thành đại nhân, chán bỏ mẹ!".

Khỏi phải nói bữa tiệc đầy sơn hào hải vị, giống hệt như trong sách vẫn tả tiệc bàn đào của tiên. Tôi lúng túng không biết chọn món nào trước. Ở nhà mình vẫn ăn theo công thức một kho hoặc xào gọi là món mặn, một canh, một dưa cà; bát cơm muốn gắp hai miếng thịt còn phải nhìn vợ con. Đại nhân Cuội ăn vô tư, ào ào. Có lẽ đây là niềm vui duy nhất của hắn ở cung trăng. Nhìn cái cằm bắt đầu chảy, bụng phệ ra thì rõ rồi. Chương trình Nghê Thường không hoành tráng như tôi tưởng. Cảm giác giống như đi xem nhạc cung đình, lúc chưa xem thì hồi hộp, được một lúc đã muốn ngáp. Xem xong, lại ăn tiệc đêm. Có cả quả nhân sâm hồi Trư Bát Giới đã từng tắc lẻm một miếng hết cả đầu mình tứ chi. Tôi thấy không ngon, phần ghê ghê vì trông giống con búpbê trần truồng, phần vì vị ngọt lờ lợ, xôm xốp như ăn quả điều lộn hột, hạt lấy đi rồi, ăn như ăn bao bì. Mùi thì có giống mùi sâm Cao Ly. Sâm bây giờ ở dưới ta bán như khoai, có cả bia sâm, dầu gội đầu cũng sâm.

Đang ăn thì nhã nhạc vang lừng, hương thơm ngào ngạt. Một đàn tiên nữ trắng muốt đậu xuống, cô Hằng bước ra, đẹp y như tivi vẫn chiếu. Tôi lúng túng chưa biết xưng hô ra sao. Chẳng gì cô ta cũng là chức sắc trên này, tựa như bà bầu đội bóng đá nữ dưới ta.

- Bác đi đường có mệt không?

- Cảm ơn cô, mệt mỏi ở tuổi tôi là chuyện bình thường. Hôm nào thấy khoẻ đùng đùng là có vấn đề huyết áp đấy. Lần này tôi lên đây trước là thăm đại nhân đồng hương, sau là kết hợp tham quan cung Quảng.

Cô Hằng cười, hàm răng trắng như răng giả:

- Đại nhân của chúng tôi vẫn bình thường. Còn chuyện tham quan thì mai em sẽ dẫn bác đi...

Cô tiên con dẫn tôi về nhà nghỉ, cũng không xa ngôi nhà dưới gốc đa của Cuội. Cô Hằng lại cùng đội bóng nữ bay đi trong tiếng nhạc, mùi thơm. "Quái lạ - tôi nghĩ - vợ chồng này nó không ngủ chung à?".



* * *

Hằng Nga đưa tôi đi tua Thiên đình trong một ngày. Thấy tất cả, gặp tất cả, từ ông số một đến ông Bật Mã ôn (chức quan chăn ngựa Tôn Ngộ Không từng giữ). Lúc về cô ta đưa tôi cái hộp bằng bạc, trong đựng một viên thuốc tễ:

- Tặng bác viên linh đan, lúc nào mệt, bác nuốt vào lại khoẻ như tráng niên! (Đến nay tôi vẫn chưa dám dùng viên Viagra giời ấy).

- Cảm ơn cô đã vì tình cảm với đại nhân Cuội mà tiếp đãi.

Cô Hằng buồn rầu nói:

- Anh ta quê lắm, em chẳng dám đưa đi đâu cả. Được cái khoẻ, chăm làm. Nhưng ở đây làm việc lại không cần.

- Cô chú có định đẻ vài đứa cho vui tiên cảnh, trên này vắng vẻ quá?

- Cuội thì thích đấy, còn em thì chưa, phần vì cũng chưa có chỉ tiêu tăng biên chế cung Quảng. Em ở đây đã hơn nghìn năm, chỉ có một mình, giờ mới có Cuội là hai. Trên này, ngôi vị định sắn cả, tăng giảm khó lắm, không như dưới ấy...

- Chúng tôi mỗi gia đình cũng chỉ có 1 đến 2 con thôi...

Đêm cuối cùng ngủ trên cung trăng tôi đã thao thức, khẽ mở cửa đi ra ngoài. Trời mát như Đà Lạt. Đứng bên bờ sông Ngân thấy ánh sáng bàng bạc, sương khói cuồn cuộn như sân khấu nhạc nhẹ. Tất cả đều khẽ khàng, vô cảm. Có tiếng bước chân nhẹ như gió thoảng. Tôi quay lại: Hằng Nga! Đúng là cô ta trong bộ trang phục có tên "Đêm thuộc về em"... Ăn mặc kiểu này ở dưới ta thể nào cũng bị báo chí phê phán. Nhưng đây là cung trăng. Cô Hằng hỏi:

- Sao bác không ngủ? Nhớ nhà? Mai bác được về rồi. Đêm nay là đêm cuối cùng...

- Đêm cuối cùng của tua cung trăng, mai tôi về, tôi còn sống lâu lắm, nợ đời còn phải trả.

- Việc gì phải lo lắng thế. Bác có muốn trả hết nợ nần, sống vui vẻ muôn kiếp?

- Ý cô nói là sẽ cho tôi ở trên này?

- Bác thông minh lắm, không đần như Cuội, em chán Cuội lắm rồi. Cho Cuội về hạ giới thì không được, nhưng đổi lấy bác thì được. Trên này luật pháp nghiêm minh, nhưng họ cũng quan liêu, chả để ý ai là Cuội, ai là bác đâu, toàn là hàng cửu phẩm như nhau mà.

Tôi đần mặt ra suy nghĩ. Bảy giây sau trả lời:

- Cảm ơn Hằng đã có lòng. Nhưng... anh không thể ở lại được. Anh còn mẹ già, công việc cơ quan và cả một núi chuyện phải giải quyết. Bà xã anh thì em biết rồi đấy, có họ với bà La Sát trên này, với lại nhìn cảnh Cuội sống với em, anh rõ rồi.

- Cuội bì thế nào với anh được. Nhưng thôi, bọn em trên này tư duy dứt khoát, không nhùng nhằng như các anh đâu. Tạm biệt!

Tôi ngồi thừ bên gốc đa. Trước khi vỗ cánh bay đi, Hằng đến gần, khẽ nghiêng người cúi xuống chụt vào môi tôi một cái. Không gian ngào ngạt hương trời. Tiên thơm mình sao giống nàng thơm ta đến thế!

Khi tôi ra "ga trăng" lên tàu về nhà, Cuội tiễn tôi đến cửa ga:

- Bác về mạnh giỏi. Cho em gửi lời thăm bà con. Em thì chắc chắn không về được, trừ phi bị cách chức, nhưng lúc đó lại phải đầu thai kiếp khác, làm con chó, con lợn cũng nên.

Tàu về trái đất bay vùn vụt, không tiếng động, có cảm giác như ta bị ù tai. Tôi nhớ tới cô Hằng, bộ áo ngủ, nụ hôn, đêm Quảng Hàn... Sau khi vào toalét vã nước lạnh lên mặt để xua ấn tượng Hằng Nga, tôi lại về chỗ ngồi và cứ buồn mãi về câu chuyện của đại nhân Cuội. Nó sống như thế cũng khổ không kém gì mình ở nhà. Còn cái cô Hằng cũng hơi bị tinh vi, sống một nghìn năm đơn lẻ, nay vớ được thằng chồng thành phần cơ bản thế mà còn chê! Gớm, còn hơn ế sưng!



Truyện ngắn của Trần Chinh Đức

0 comments

Post a Comment

Bạn có thể chèn các biểu tượng cảm xúc cho lời bình của mình bằng cách gõ các ký tự như bảng chỉ dẫn sau:
:) :D :)) =)) ;)) ;;) ;) :p :X :-* :">
:( :(( =(( :-o 8-} >:) B-) 8-X :-" :-w More...