"Dù bị đau đớn quằn quại, tôi vẫn tha thiết yêu thương trần gian điên dại này"


Mình yêu thơ cụ Bính bởi vì mình thích đọc ca dao tục ngữ Việt nam, thích thơ lục bát nên thơ cụ vừa mộc mạc, trong sáng, giản dị lại rất đỗi tình cảm dễ đi vào lòng người. Quyển sách Giai thoại Nguyễn Bính xuất bản năm 1993, do nhà văn Vũ Nam viết. Mình may mắn có tài liệu này là do ngày xưa có cái thú hay đi lục lọi mua sách cũ và tình cờ thấy. Âu cũng là cái duyên trời cho và tính thời gian sở hữu cuốn sách này cũng hơn 10 năm. Giai thoại về Nguyễn Bính thì tìm khắp trên internet cũng không có nên giờ mình dành chút thời gian ngồi gõ máy để bày tỏ lòng tri ân đối với cụ cũng như cho các bạn nào yêu thơ Nguyễn Bính có thêm những thông tin lý thú về cuộc đời và hiểu thêm phần nào thơ và con người Nguyễn Bính. Cả quyển có 32 giai thoại, mình đang đánh máy và sẽ upload dần cho các bạn đọc. Nếu bạn nào lấy thông tin xin ghi rõ nguồn từ blog của mình nhé.

1. Một thần đồng

Năm 1931, ở làng Thiện Vịnh, Vụ Bản, Nam Định, người ta đồn ầm lên là có một thần đồng! Đó là một cậu bé mười ba tuổi được giải nhất trong cuộc thi hát trống quân đầu xuân ở hội làng. Mà oái ăm, người thứ nhì là một cụ lão bà ngoài bảy mươi tuổi, đầu tóc bạc phơ. Cậu bé đó là Nguyễn Bính và bà cụ già Nguyễn Thị Chanh.

Chẳng là từ mùng 6 đến mùng 8 tháng giêng ta, cùng dịp hội Phủ, làng tổ chức thi hát trống quân ở ngay sân đình, một bên nam, một bên nữ. Cụ Chanh gà cho bên nữ, Bính gà cho bên nam. Hát đối đáp nhau, hỏi đối nhau suốt đêm. Cuối cùng bên nam thắng cuộc chính là nhờ câu hỏi đáp rất hay của Nguyễn Bính.

Ngày nay, các anh chị hồi ấy (bây giờ là các cụ già cả rồi) còn nhớ mấy câu sau đây:

… Anh đố em này:

Làng ta chưa vợ mấy người?

Chưa chồng mấy ả, em thời biết không

Đố ai đi khắp Tây Đông,

Làm sao kiếm nổi tấm chồng như chúng anh đây?

Làm sao như rượu mới say,

Như giăng mới mọc, như cây mới trồng?

Làm sao như vợ như chồng?

Làm sao cho thỏa má hồng răng đen?

Làm sao cho tỏ hơn đèn?

Làm sao cho bút gần nghiên suốt đời?

Làm sao? Anh khen em tài?

Làm sao? Em đáp một lời, làm sao…?

Câu đố mà lại như câu hát, thật trữ tình, thật thơ mộng và thật khó trả lời, làm bên nữ chỉ mải cười rúc rích, đấm nhau thùm thụp và rồi… sau năm phút, mười phút, sau ba hồi trống dài, bên nữ không đáp được! Thế là các già làng chấm bên nam thắng. Bọn con trai sung sướng hò vang, kiệu Nguyễn Bính lên vai đi khắp vòng đình.

Có lẽ những ngày thơ ấu, những câu hát đồng quê ấy đã tạo nên cái chất Nguyễn Bính, nhà thơ “chân quê” của chúng ta sau này.


2.Thơ tiên" Nguyễn Bính

Nguyễn Bính quê Vụ Bản-Nam Định, nơi hằng năm vào tháng ba cuối xuân có hội Phủ Giầy rất đông thiện nam, tín nữ khắp nơi về lễ Phật, xem hội. Tuổi thơ Nguyễn Bính rất mê hội này. Từ ngày mở hội đến ngày giã hội, Nguyễn Bính không vắng mặt một ngày nào. Không một trò vui nào Nguyễn Bính bỏ qua, kể cả các buổi cúng lễ trên Phủ, dưới chùa. Một buổi Nguyễn Bính đang ngồi xem hầu bóng mà thường gọi là "lên đồng" chợt một cô gái chạc tuổi mình đi ngang qua. Cô người dong dỏng, áo dài màu cánh sen, thắt lưng hoa lý. Cô đi theo một bà dáng chừng là mẹ. Một cảm giác lạ lùng nảy sinh trong lòng Nguyễn Bính. Anh bạn thiếu niên, thần đồng thơ Nguyễn Bính cảm thấy như một tố nữ vừa từ trong tranh tứ bình bước ra. Nguyễn Bính đi theo liền. Khi rõ được mặt mày, Nguyễn Bính ngẩn ngơ như kẻ mất hồn. Thế là cả ngày hôm ấy, Nguyễn Bính trở thành "cái đuôi" của hai mẹ con cô gái. Hai mẹ con người ta vái thì cũng vái, khấn thì cũng khấn. Một đêm trằn trọc mất ngủ qua đi, hôm sau thức dậy, Nguyễn Bính lại mò ra với hội. May sao lại gặp lại được người "trong tranh", Nguyễn Bính lại tiếp tục làm "cái đuôi". Cứ thế, đến ngày thứ tư thì chàng thi sĩ thần đồng tìm cách dúi vào tay cô gái mảnh giấy có mấy câu:

Em ở cõi trần hay cõi tiên?

Phủ đền nhang khói nức hương em

Xin đi chầm chậm cho theo với

Lộc thánh dâng người một trái tim.

Cô gái nhận mảnh giấy nhưng mặt lại… ngoảnh đi. Dù sao, anh bạn thiếu niên si tình đã lấy làm "sung sướng" lắm rồi.

Không chịu buông tha, Nguyễn Bính còn bám theo cô gái về đến tận nhà. Thế rồi, mấy tháng sau Nguyễn Bính "ngựa theo đường cũ" tìm lại nhà nàng thì… ôi thôi… người xưa vắng bóng, "cỏ lan mặt đất, rêu phong dấu giày". Dò la thì được người ta cho biết gia đình cô gặp chuyện gì đó chẳng biết phải đột ngột bán nhà rồi chuyển đi nơi khác.

Mười ba tuổi, Nguyễn Bính làm mọi người phải kinh ngạc về tài thơ của một chú bé. Năm ấy, hội Phủ Giầy tổ chức một cuộc thi thơ. Đề tài thơ là tả cảnh chọi gà, một trò chơi trong lễ hội. Mọi người còn đang cắn bút thì mới hết nửa thời gian làm bài, một chú bé đã lách mọi người vào nộp bài cho ban giám khảo. Bài thi dài hơn ba trang giấy. Không ngờ bài thi của chú bé đoạt giải nhất. Khi được công bố, hàng ngàn người đã phải vỗ tay thán phục một tài thơ. Người ta phục nhất là bài thơ đã biết vận dụng hai câu ca dao "Khôn ngoan đối đáp người ngoài/Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau" làm câu kết. Đó là chú bé Nguyễn Trọng Bính. Và đây chính là bước mở đầu chú bé bước vào đời thi sĩ đầy mưa gió với bút danh (bỏ chữ lót đi) NGUYỄN BÍNH.

Chuyện một chú bé có tài làm thơ loan đi rất nhanh, bay đi rất xa. Có biết bao huyền thoại về chú bé đã ra đời. Người ta tìm đến tận nhà nhờ cậu bé "gợi ý" cho người hát trong những cuộc thi hát đối đáp. Thường là bên nào được chú bé "gà" cho thì y như rằng bên ấy thắng. Dần dần lòng ngưỡng mộ chú bé của người đời lên đến tột đỉnh. Người ta coi Nguyễn Bính là "người trời", thơ của chú bé là "Thơ tiên". Thơ đây là Tiên giáng vào. Nhiều người đã tìm đến tận nhà chú bé xin… "thơ tiên". Những đám dựng vợ gả chồng gặp trắc trở tình duyên hoặc đã thành gia thất mà làm ăn xui xẻo, thường đến "cậu" xin… "thơ tiên". Có một gia đình nghèo có cô con gái được đám nhà giàu đem lễ đến dạm hỏi. Khổ nỗi cô gái đã có người cùng làng hẹn ước. Không biết làm cách nào, bố mẹ cô gái đành tìm đến nhà cậu xin cậu… "thơ tiên". Nghe thủng câu chuyện, "thơ tiên" của chú bé giáng ngay một bài thất ngôn dài, trọng tâm ở mấy câu:

Của dầu nhiều nhưng vẫn chẳng nên

Phù vân, giả dối chẳng lâu bền

Tình em đâu phải trao thiên hạ

Dành để trai làng mới đẹp duyên.

Thế là gia đình mãn nguyện, làm theo lời "Tiên giáng".

"Thơ tiên" của chú bé còn rất nhiều. Thậm chí có cả anh chuyên nghề ăn trộm cũng đến xin "thơ tiên". Kết quả anh đã nghe theo mà… bỏ nghề.


3. Nhại Kiều

Hồi Nguyễn Bính mới 18 tuổi, lần đầu mang thơ ra Hà Nội, muốn đăng báo, có nhờ Nguyệt Hồ giới thiệu với Lê Tràng Kiều, chủ bút Tiểu thuyết thứ năm. Kiều gửi thiếp mời Bính và cả Nguyệt Hồ đi ăn cơm Tây ở Phú Gia để bàn chuyện cộng tác.

Nhận thiếp mời, Nguyễn Bính hỏi Nguyệt Hồ:

- Tuần sơ buổi mới, nên đi ăn hay chối từ?

Nguyệt Hồ lúc ấy là họa sĩ lớn tuổi đã nổi danh, đang vẽ cho nhiều tờ báo. Câu hỏi của Nguyễn Bính có ý thăm dò tính cách ông chủ báo, chọn mặt gởi vàng.

Nguyệt Hồ hỏi:

- gì e ngại?

Nguyễn Bính cười, đọc:

Sông sâu còn có kẻ dò,

Những ông chủ báo, ai đo được lòng.

Nguyệt Hồ cũng cười, nói:

- Hôm nay đến với “chàng Kiều”, nên tôi xin nhại Kiều với thi sĩ nhé”

Rằng từ thì chẳng anh hùng

Dọc ngang “phóng sét”, vẫy vùng”cu lô” (1)

cứ chén đi đã.

Tiểu thuyết thứ năm là tờ báo đăng bài thơ đầu tiên của Nguyễn Bính (bài Cô hái mơ) và cũng là tờ báo đăng nhiều thơ Nguyễn Bính nhất thời ấy.

__________________________

(1) Từ có thể hiểu là Từ Hải trong Truyện Kiều, là từ chối và có thể hiểu là Trằng Kiều.

“Phóng sét”, “cu lô” là đĩa và dao để ăn cơm Tây.


4. Câu chuyện “Lỡ bước sang ngang”

Đọc “Lỡ bước sang ngang” ngày xưa, nhiều người đã thắc mắc: Một cô gái mười bảy tuổi đi lấy chồng, không thấy nói ép gả, không thấy nói không có tình yêu vậy mà sao đoạn đầu tả ngày cưới buồn thế

… Lần này chị bước sang ngang

Là tan vỡ giấc mộng vàng từ đây…

Cũng là thôi, cũng là đành

Sang ngang lỡ bước riêng mình chị đâu ?

Chưa về nhà chồng mà đã lo “lỡ bước” là làm sao? Lại nữa, nhiều bài thơ tác giả đề tặng: Gửi chị Trúc. Vậy chị Trúc là ai? Có chị Trúc thật không?

Thì ra có một chị Trúc thật. Tên thực chị là Lê Thị N. Th. khá đẹp và có tâm hồn mơ mộng. Chị đã có chồng là ông chủ một hiệu ảnh ở đường Hà Nội-Hà Đông. Gia đình chị không có hạnh phúc, luôn mâu thuẫn, rất khổ tâm. Sau chị yêu nghệ sĩ Trúc Đường là anh ruột Nguyễn Bính:

“Dừng chân trên bến sông buồn,

Nhà nghệ sĩ tưởng đò còn chuyến sang?”

…“Chị từ dan díu với tình,

Đời tươi như buổi bình minh nạm vàng…”

Hai người đã quyết tâm lấy nhau, đã thuê nhà ở riêng… Nhưng rồi sau mối tình không thành:

… Rồi đêm kia lệ ròng ròng,

Tiễn đưa người ấy sang sông chị về…

Nguyễn Bính lấy tên hiệu anh mình gọi chị là chị Trúc. Cảm động vì mối tình đau khổ dở dang, lại được chị Trúc rất yêu mến chiều chuộng, Nguyễn Bính đã làm một bài thơ dài tặng anh chị. Bài thơ dài 110 câu chính là để kỷ niệm 110 ngày (hơn ba tháng) anh chị mình đã gắn bó trong tình yêu hạnh phúc.

Biết được xuất xứ bài này, bây giờ ta có thể hiểu khá rõ ràng từng câu chữ trong thơ Lỡ bước sang ngang.


5. Xé thơ mình

Một lần Nguyễn Bính cùng Vũ Trọng Can đang đứng ở nhà số 20 phố Hàng Ngang Hà Nội, thấy có một đám ma đi qua. Người ta nói đó là đám tang một cô gái mới 16 tuổi đẹp nhất phố Hàng Đào, ai cũng xuýt xoa thương tiếc. Nhìn những cỗ xe tang trắng, đôi ngựa trắng, vòng hoa trắng, và những khăn xô trắng… đầy đường, hai nghệ sĩ rất xúc động.

Chiều, Vũ Trọng Can làm xong một bài thơ đưa Bính xem, Bính không nói gì. Hôm sau, Nguyễn Bính đưa bài thơ của mình cho Can xem. Đó là bài “Viếng hồn trinh nữ”. Can bèn rút túi áo, xé bài thơ của mình đi và nói:

- Ngày xưa Lý Bạch không làm thơ vịnh Lầu Hoàng Hạc vì trước đó đã có thơ của Thôi Hiệu rồi. Nay có bài thơ của cậu thì thơ mình nên xé đi! Cả bài đều hay nhưng mình thích nhất mấy câu:

… Có một chiếc xe màu trắng đục,

Hai con ngựa trắng xếp hàng đôi.

Đem đi một chiếc quan tài trắng,

Và những vòng hoa trắng lạnh người.

Theo bước, những người khăn áo trắng,

Khóc hồn trinh trắng mãi không thôi.

Kể cũng là một chuyện biết người biết mình. Bởi vì đánh giá thơ mình thường rất khó.


6. Một tuyên ngôn về thơ

Trong phong trào thơ mới 1936-1945 có hai trường phái, một thì chủ trương cách tân triệt để, cả nội dung lẫn hình thức, tiêu biểu như Xuân Diệu, Nguyễn Vỹ, Phan Khôi… cho nên ta thấy nhiều bài thơ y như thơ Pháp, nhiều người gọi đùa là những “nhà thơ Tây lại”! Còn một chủ trương vẫn giữ lấy cái hồn dân tộc, nhóm nàyphần nhiều là những người xuất thân gần gũi với người lao động ở nông thôn như Nguyễn Bính, Đoàn Văn Cừ, Anh Thơ…

Khi thấy nhóm kia tung ra các bài: Tình già, Cây đàn muôn điệu… như tuyên ngôn về thơ của phái mình, Nguyễn Bính bèn làm một bài thơ trả lời dưới dạng một bài thơ tình tế nhị. Đó là bài “Chân quê”, trong đó có câu:

… Hoa chanh nở giữa vườn chanh,

Thầy u mình với chúng mình chân quê,

Hôm qua em đi tỉnh về,

Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều…

Lúc này Nguyễn Bính mới 19-20 tuổi, kể đã có khuynh hướng như vậy thật đáng quý. Điều đó có thể giải thích vì sao nhà thơ Chân quê được quần chúng thích và thuộc thơ rộng rãi vào loại nhất đương thời.


7. Bắt chước Cao Bá Quát

Một hôm Nguyễn Bính và họa sĩ Nguyệt Hồ đến nhà Việt Quyên chơi. Nhà thơ Việt Quyên đang đọc tập thơ Cao Bá Quát, đang buồn cười về chuyện Cao Bá Quát đùa cái “khù khờ, khệnh khạng” của vua Tự Đức bằng bài thơ chữ Hán, mỗi câu xen vào một chữ nôm tiếng Việt (1). Việt Quyên khoe với các bạn và bảo Nguyễn Bính:

- Anh chơi chữ cũng thạo lắm. Có thể bắt chước Cao Bá Quát làm một bài xem nào?

Nguyệt Hồ đế thêm:

- Bây giờ không làm Hán xen Nôm, mà làm Nôm xen “Đầm” cho hiện đại. (Mỗi câu tiếng Việt xen một tiếng Pháp).

Nguyễn Bính cười, nhìn cụ Việt Quyên đang ngồi tay thủ bọc, tay vê ria và đọc:

Có cụ “vê-cu vê-ria”,

Suốt ngày nghĩ chuyện “pờ-le-dia” suốt ngày.

“Đờ manh” cụ cứ thế này,

Dờ hồn kẻo lại có ngày “mò ria” (2)

Ba người cười phá lên vì cái chữ “Vê-cu-vê-ria” vừa viết tắt tên Việt Quyên (V.Q) vừa là tả bộ dạng Việt Quyên ngồi lúc ấy, lại nhấp nhoáng nghe như tiếng Tây thật.

_________________________

(1) câu thơ của Cao Bá Quát đùa vua Tự Đức:

“Khù khờ” thi tứ đa nhân thức,

“Khệnh khạng” tương lai vấn tú tài.

(2) “Pơ-le-dia” = plaisir, tiếng Pháp ý nói chuyện lạc thú.

“Đờ manh” = deux mains, tiếng Pháp là hai tay

“Mò-ria” = mourir, tiếng Pháp có nghĩa là chết. Nhưng mò ria còn có ý đi tìm râu.

0 comments

Post a Comment

Bạn có thể chèn các biểu tượng cảm xúc cho lời bình của mình bằng cách gõ các ký tự như bảng chỉ dẫn sau:
:) :D :)) =)) ;)) ;;) ;) :p :X :-* :">
:( :(( =(( :-o 8-} >:) B-) 8-X :-" :-w More...