21.Liên ngâm đả Tây
Nguyễn Vĩ, chủ bút báo Pháp – Việt, cũng như các chủ bút báo khác, thường tìm mọi cách tranh thủ tên R.Cơ-ray-sắc (Renes Craysac).Chánh văn phòng Kiểm duyệt sở mật thám Hà Nội. Tên này là một tên cáo già thực dân, giỏi chữ Hán, thạo tiếng Việt, ăn cả thịt chó mắm tôm và cá gỏi…
Một hôm Nguyễn Vĩ mời được Cray-sắc đi hút thuốc phiện ở Khâm Thiên, có Nguyệt Hồ và Nguyễn Bính tháp tùng.
Khi đã say sưa, nằm bên bàn đèn, thấy trên đèn dầu lạc có 4 chữ hán, Cray-sắc đọc: “Phi yến thu lâm” (Rừng thu yến bay), rồi hắn dịch nhại, giọng Tấy lơ lớ, thành: “Phiện thú lắm”. Và hắn đề nghị liên ngâm một bài thơ với tiêu đề ấy.
Nguyễn Vĩ ngẫm nghĩ một lúc rồi đọc
Phi Yến thu lâm lắm cái hay!
Nguyễn Bính đáp:
Nằm trên giường như nằm trên mây.
Cray-sắc cười nói:
- Moa ghép một câu tiếng Pháp, song chắc người An Nam ai cũng hiểu:
Uyn, đơ ,troa, cát, ken-cờ píp
Mọi người khen được. Và Nguyệt Hồ đọc câu kết khá giật gân:
Đánh đổ người Nam đánh đổ Tây!
Cray-sắc trợn mắt:
- Nguyệt Hồ có tư tưởng gớm nhỉ!
Nguyệt Hồ từ tốn:
- Bẩm ngài nghĩ lại xem, có đúng không Ngài và chúng tôi đổ vì nó cả.
Nguyễn Vĩ đỡ thêm:
- Thôi, xin ngài bỏ quá, hoạ sĩ say, và hoạ sĩ bất đắc dĩ phải làm thơ mà…
Sau Cray-sắc cũng cho qua. Rồi mọi người đi vào tán mãi câu thơ hay mỗi vẻ như thế nào.
- Câu đầu “lắm cái hay” là những cái hay gì? Người ta liên tưởng đến câu Kiều:
Ở trong còn lắm điều hay,
Nỗi đêm khép mở, nỗi ngày riêng chung...
- Câu thơ Nguyễn Bính thì cố tình phá luật, dùng toàn thanh bằng, lâng lâng bay bổng, đúng đúng là cái đi mây về gió của thuốc phiện...
- Câu 3 không thể nhầm là của ông Tây làm thơ An Nam. Tây cũng hiểu mà ta cũng hiểu.
Còn câu kết không ai dám bình, nhưng chính Cray-sắc cũng công nhận là rất hay! (Très bon!).
22.Ta là người Nam
Hồi trước cách mạng tháng Tám, một lần Nguyễn Bính được giải nhất cuộc thi thơ của một tờ báo lớn ở trong Nam. Ông chủ bút bảo Bính chuẩn bị phát biểu cảm tưởng bằng tiếng Pháp cho sang trọng, vì hôm đó sẽ có nhiều quan chức người Pháp đến tham dự.
Hoàng Tấn, bạn thân với Nguyễn Bính đi mượn cho Bính một bộ com lê thật sang và soạn sẵn một bài tiếng Pháp cho Bính thật chu đáo. Bính mặc quần áo thử và đứng trước gương tập diễn thuyết cho Bính nghe cẩn thận.
Đến buổi lễ trao giải, quả là có rất đông người Pháp và vợ chồng quan đốc lý cũng đến dự rất long trọng. Không biết nghĩ sao, lúc lên phát biểu Bính nói toàn tiếng Việt. Chủ báo cuống cuồng lên dịch cho các quan Tây nghe... Rồi viên đốc lý lên trao giải thưởng cho Nguyễn Bính, vợ tên đốc lý cũng lên tặng hoa và ôm hôn tác giả... Đến khi bắt tay Bính cũng nói:
- Cảm ơn ông! – Chứ không nói tiếng Pháp thông thường: “Méc-xi mơ-xi-ơ”.
Khi ra về Hoàng Tấn hỏi Bính:
- Sao ở nhà thì cậu nói tiếng Tây cho ta nghe mà hôm nay cậu lại nói tiếng Ta cho người Tây nghe thế?
Bính nói:
- Đến lúc ấy mình nghĩ ta là người Nam cơ mà?
Hoàng Tấn im lặng, nắm tay bạn đầy cảm mến.
23.Sông Thương nước chảy đôi dòng
Trong đời Nguyễn Bính có nhiều mối tình song đều “sang ngang lỡ bước” cả! Dạo ấy ở Bắc Giang có “Tao đàn Sông Thương” gồm toàn nữ sĩ khá thu hút bốn phương. Nguyễn Bính cùng Vũ Hoàng Chương... đã về chơi với Bằng Bá Lân quê ở đó, nhân thăm thú Tao Đàn. Sau đó Nguyễn Bính yêu nữ sĩ V.A. Kể ra hai người thật đẹp đôi, cùng là thi sĩ. Cùng khuynh hướng sáng tác về “hương đồng gió nội”...Nhưng thật lạ kỳ, cứ như chuyện Trương Chi vậy. V.A, rất mê thơ Nguyễn Bính và Nguyễn Bính cũng thích thơ V. A. Nhưng hễ gặp nhau là nàng “Mỵ Nương” lại vỡ mộng! Không biết vì Nguyễn Bính nom “chân quê” quá, hay ngược lại nàng sợ chàng thi sĩ kinh thành” Đa đoan vó ngựa chung tình bánh xe” hay vì gì nữa? Cuối cùng mối tình tan vỡ.
Ngồi trên tàu về hà Nội. Nguyễn Bính đọc cho Vũ Hoàng Chương nghe mấy câu tâm sự:
Sông Thương nước chảy đôi dòng
Bao giờ bên đục bên trong hài hoà?
Ngậm ngùi một bước một xa,
Đến đây là... đến đây là... là thôi...
Sau này nghe V.A đi lấy chồng, Nguyễn Bính đã hoàn chỉnh bài thơ trên. Đó là bài:
Cao tay nâng chén rượu hồng,
Mừng em, em sắp lấy chồng xuân nay,
Uống đi em, uống cho say,
Để trong mơ sống những ngày xuân qua.
Thấy tình duyên của đôi ta,
Đến đây là...đến đây là... là thôi!
Em đi dệt mộng cùng người,
Lẻ loi xuân một góc trời, riêng anh.
Sau đó, Nguyễn Bính còn viết cả một tập thơ “Hương- cố nhân” (Hương là bí danh của V.A dùng để viết thư cho Nguyễn Bính) có câu đề từ:
Xây bao nhiêu mộng, thế mà
Đến nay phải gọi người là cố nhân.
24.Giá cái đầu nhà thơ
Hồi ấy cuộc kháng chiến chống Pháp, Nguyễn VănThinh, thủ tướng chính phủ bù nhìn “Nam Kì tự trị” có treo một cái giải:
- Ai đưa được nhà thơ Nguyễn Bính “dinh tê” ( vào thành) theo chính phủ (bù nhìn) sẽ được thưởng một nghìn Đông Dương! Nếu nhà thơ tự vào thành cũng được thưởng như thế...
Về mặt nào đó, kể công nhận vị thủ tướng bù nhìn này biết giá trị cái đầu của nhà thơ Nguyễn Bính! Một nghìn đồng Dông Dương ngày ấy to lắm, là cả một cơ nghiêp.
Nhiều thi sĩ là bạn Nguyễn Bính viết thư “thuyết khách’ mời Bính vào. Nhiều người cũng tưởng Nguyễn Bính vào thành với địch rồi. Vì lúc đó, nhà thi sĩ chúng ta đang lang thang phải ăn nhờ một nhà ông bạn ở Rạch Giá, và tối tối phải chui vào một cái nóp (bao cói) ra ngủ ở ngoài đình cho khỏi muỗi.
Ấy vậy mà hồi đó, trong một bài thơ của mình, Nguyễn Bính đã viết hai câu thơ khẳng định:
Mình không bỏ Sở sang Tề,
Mình không là kẻ lỗi thề , thì thôi.
Nhiều cụ già trong Nam hồi đó biết chuyện, gọi Nguyễn Bính là có ý chí của sĩ phu yêu nước.
25.Người sửa thơ Nguyễn Bính
Nhiều nhà thơ, nhà văn khi đã nổi tiếng, ai sửa chữa văn thơ mình thì khó chịu lắm, nhất là người phê bình lại chưa có cương vị gì:
Xưa nay thế thái nhân tình
Vợ người thì đẹp, văn mình thì hay!
Ngược lại, Nguyễn Bính làm thơ xong bài nào cũng đọc lại cho bạn bè, người chung quanh nghe, ai góp ý là nghiền ngẫm sửa lại. Nếu ta xem các bản thảo, gốc thì rất rõ, những câu thơ tác giả sửa đi sửa lại, như các bài: “Sao chẳng về đây” và nhiều bài khác.
Thú vị nhất có một lần, Nguyễn Bính làm bài thơ về vợ con ở Miền Nam, trong đó có câu:
Lao trong lửa đạn bời bời,
Vợ tôi ôm chặt con tôi vào lòng.
Thương con lại nhớ lời chồng,
Lấy thân làm bức thành đồng cho con...
Đến khi in thử, thợ nhà in xếp chữ lầm thành:
Lấy thân làm bức thành đồng che con.
Mọi người đùa là công nhân dám sửa thơ của thi sĩ! Và đề nghị sửa chữa lại nhưng Nguyễn Bính xem bản in thử nói
- Công nhân họ sửa thơ mình hay hơn lên đấy. Che con có hình ảnh và gợi cảm hơn, không cần đính chính đâu.
Mọi người, kể cả anh thợ nhà in rất thích thú và cũng rất phục Nguyễn Bính.
26.Cái bướu nghệ sĩ
Đó là những cái người đời thường cho là lập dị, thậm chí là dở hơi! Nhưng xem ra đã là nghệ sĩ, thường không ai không có cái “ bướu” ấy. Nghệ sĩ càng lớn, cái “Bướu” càng to. Như Ni -Tơn khoét hai lỗ cho hai con mèo dễ ra vào. Tản Đà lật mấy viên gạch hoa nhà bạn lên trồng rau húng...
Một hôm Nguyễn Bính tiếp khách ở nhà mình, có Nguyệt Hồ, Việt Quyên, Phong Giao đến chơi, xem ra chẳng vị nào có một xu dính túi. Nguyễn Bính nghĩ cách tiếp bạn. Biết Nguyệt Hồ nghiện nặng thuốc lá, Nguyễn Bính phân công Việt Quyên đi nhặt các mẩu thuốc lá vứt trong gạt tàn gầm bàn, gầm tủ gom lại. Phong Giao đi đổ bã chè ở các ấm to, các ấm nhỏ ra. Nguyễn Bính nhóm bếp sao bã chè lên. Ông nói:
- Chè sao lại, nước ngon chỉ kém “Chính Thái”. Nhưng còn hơn chè hâm lại, các vị ạ!
Sau đó các mẩu thuốc lá cũng được xé ra, cho lên nồi rang sao. Nguyễn Bính cũng bảo:
- Thuốc lá sao lại đậm ngon hơn chính phẩm, họa sĩ thử mà xem.
Nguyệt Hồ cho cho thuốc vào píp phì phèo rồi đọc đùa mấy câu thơ :
Thuốc lá hay là “xỏ lá” đây!
Yêu cầu ông Bính trả lời ngay?
Hay thương thằng bạn cơn nghiền đến
Chẳng có tiền mua, chửa đủ say...
Trong khi sao tẩm, Nguyễn Bính đã bảo Phong Giao tháo một chiếc bóng điện duy nhất của nhà mình ra chợ bán, mua rượu. Thế là thi sĩ tiếp các bạn cũng đủ chè, thuốc, rượu như ai! Nguyễn Bính tức cảnh:
Khô chè, sao lại chè khô
Ai quăng thuốc xuống, ta mò thuốc lên.
Một khi nghệ sĩ túng tiền,
Làm sao cho thoả cơn nghiền thì thôi.
27.Chị Trúc trong thơ Nguyễn Bính
Theo Bùi Hạnh Cẩn, tác giả NGUYỄN BÍNH VÀ TÔI, đồng thời cũng là anh em con cô con cậu ruột với tác giả LỠ BƯỚC SANG NGANG, thì bà thân của Nguyễn Bính mất rất sớm, khi Nguyễn Bính mới 3 tháng tuổi. Nguyễn Bính rời quê nội làng Trạm sang ở thôn Vân, quê ngoại (cùng thuộc huyện Vụ Bản - Nam Định) và lớn lên ở đó. Bùi Hạnh Cẩn và Nguyễn Bính như vậy vừa là anh em, vừa là bạn học, bạn thơ từ thủa thiếu thời. Do vậy nên những tiết lộ của họ Bùi soi sáng nhiều điều trong thơ họ Nguyễn.
Có lẽ Nguyễn Bính là thi sĩ đầu tiên (đối với tôi) đã trang trọng đưa "người chị" vào thơ. Tập Lỡ Bước Sang Ngang của Nguyễn Bính xuất hiện năm 1938. Gần 60 năm sau tôi mới được nghe bài thơ Chị Tôi của Đoàn Thị Tảo cuối thập kỷ 90 vừa qua. Người tình, người mẹ, người em gái nhỏ ở trong thơ xưa nay không thiếu. Riêng một người chị, ngay từ những bài thơ đầu tiên và sau này suốt cuộc đời thơ, Nguyễn Bính đã giới thiệu "Chị Trúc" một cách thiết tha, đằm thắm. Trong 3 bài Lỡ Bước Sang Ngang đăng lần đầu tiên trên TIỂU THUYẾT THỨ NĂM năm 1938 đều có ghi "Tặng chị Trúc". Sau này nhiều bài thơ khác, khi đi lưu lạc giang hồ, đặc biệt những bài "Trăm câu một vần", "Xuân tha hương" và "Xuân vẫn tha hương", tác giả đều gửi tâm sự về quê nhà, kể lể nỗi niềm cùng chị Trúc:
Tết này chưa chắc em về được
Em gửi về đây một tấm lòng
Ôi chị một em, em một chị
Giời làm xa cách mấy con sông ...
Tết này chưa chắc em về được
Em gửi về đây một tấm lòng
Tết này, ô thế mà vui chán
Những một mình em uống rượu hồng.
Rượu say nhớ chị hồi con gái
Thương chị từ khi chị lấy chồng...
Trong “Xuân vẫn tha hương”, tác giả nằm đón giao thừa ở Huế, "suông cả ân tình rượu cũng suông", đốt ngọn đèn lên nhìn cái bóng cô đơn của mình in trên vách mà thở than cùng chị:
Đêm ba mươi Tết quê người cũng
Tiếng pháo giao thừa dậy tứ phương
Chị ạ, em không người nước Sở
Nhớ nhà đâu mượn tích Trương Lương
Đất khách tình dâng nhòa mắt lệ
Ôi nhà, ôi chị… ôi quê hương.
Trong nhiều bài thơ khác, hình ảnh chị Trúc cứ thấp thoáng xa gần. Chị Trúc đối với Nguyễn Bính là chiếc khăn hồng chị cho để thấm những giọt lệ đời:
Chị cho em chị chiếc khăn thêu
Ý chị thương em khóc đã nhiều
Khóc chị ngày xưa, giờ lại khóc
Cho mình khi tắt một tình yêu.
Chị Trúc là một quê hương để nhớ về - là một đối tượng hết sức thân thương trìu mến để tác giả sẻ chia mọi nỗi cô đơn cũng như những phút giây hạnh phúc:
Chiều chiều hai đứa sang thăm chị
Chồng hái hoa cho vợ giắt đầu...
Đọc thơ Jacques Prévers người ta nhớ Barbara - đọc thơ Argon người ta quen với Alsa, đọc Kiều người ta mong gặp Kim Trọng - đọc Lục Vân Tiên người ta nghĩ đến Nguyệt Nga... Đọc thơ Nguyễn Bính ai cũng muốn biết chị Trúc là ai mà người thơ gửi gấm nhiều tâm sự? Nguyễn Bính đã mất trên 30 năm rồi. Người thơ đã nằm im dưới mộ - Nguyễn Bính có một cái hơn người là càng ngày người ta càng đọc, càng ngâm thơ ông. Do vậy nên cái mong mỏi tìm hiểu về chị Trúc càng ngày càng thêm nôn nả.
Như để trả lời vấn nạn của chúng ta, người anh em của Nguyễn Bính, cũng là người bạn học, bạn thơ thủa thiếu thời, Bùi Hạnh Cẩn đã dành một chương trong cuốn "Nguyễn Bính và Tôi" để nói đến chuyện này: "Những bài thơ về chị Trúc".
Bùi Hạnh Cẩn kể rằng Nguyễn Bính sau khi mất mẹ từ rất nhỏ, ông thân của nhà thơ là Nguyễn Đạo Bình tục huyền - cùng cha cùng mẹ với Nguyễn Bính (tên tục là Nguyễn Trọng Bính) chỉ có 2 người anh trai: Nguyễn Mạnh Phác và Nguyễn Ngọc Thu - Nhà thơ không có người chị ruột nào. Vậy chị Trúc là ai?
Người phụ nữ ấy (chị Trúc của nhà thơ) thật ra không có liên hệ họ hàng ruột thịt gì với nhà thơ hết. Theo Bùi Hạnh Cẩn, đó là một phụ nữ họ Lê tên là N.TH. (họ Bùi không hài rõ tên, chỉ ghi như vậy) người đẹp, da trắng, môi hồng, mũi dọc dừa, đôi mắt trong như nước hồ thu. Đặc biệt người phụ nữ này đã có chồng ở thị xã Hà Đông. Ở nơi này có anh ruột của Nguyễn Bính là Nguyễn Mạnh Phác vừa dạy học vừa làm văn nghệ viết kịch, viết báo, làm thơ. Ở tỉnh nhỏ, như thế đã là có giá. Sau này khi Nguyễn Bính nổi danh với Lỡ Bước Sang Ngang thì ông anh Mạnh Phác lại càng được mọi người nể trọng, và đương nhiên chị Trúc người được nhà thơ đề tặng cũng nổi tiếng theo. Thật ra lúc ấy "chị Trúc" chỉ là người em văn nghệ của Nguyễn Mạnh Phác. Một buổi nhà thơ Lê Văn Trương về Hà Đông thăm thú bạn bè - Mạnh Phác, được mời viết cho báo Ích Hữu do Lê Văn Trương phụ trách. Cần phải có một bút hiệu mới cho Mạnh Phác. Ngày xưa, theo lời ông cậu ruột của anh em họ Nguyễn, tức là thân sinh của Bùi Hạnh Cẩn, thì bà thân của họ Nguyễn "đẻ rơi" Mạnh Phác ngoài lộ. Do vậy nên ngoài tên khai sinh Mạnh Phác còn có tên riêng ở nhà là "cu Đường". Bây giờ cần có một bút hiệu, mọi người mới ghép tên "người em văn nghệ" Trúc với tên riêng Đường thành bút hiệu Trúc Đường. Trúc Đường sau đó trở thành nhà viết kịch có tiếng ở miền Bắc.
Dạo đầu thập kỷ 40, trong không khí ngột ngạt của đệ nhị thế chiến sắp tràn tới Đông Dương, các văn nghệ sĩ có phong trào "đi", hay là "giang hồ vặt", theo khẩu hiệu do Nguyễn Tuân đề xướng "Ta muốn sau khi ta chết, có người thuộc da ta làm chiếc valise". (NT cũng mượn câu nói này của một nhà văn Pháp, tôi không nhớ được tên). Nhưng đi để mà không biết đi đâu?"
Ta đi nhưng biết về đâu nhỉ?
Đã dấy phong trào khắp bốn trời.
Mấy ông nhà văn, nhà thơ trẻ Nguyễn Bính, Tô Hoài, Trọng Can từ Bắc vào miền Trung, vô Nam rồi lại trở ra. Hãy nghe Tô Hoài kể lại trong hồi ký: "Chúng tôi ghé xuống Thanh Hóa trước tiên. Chúng tôi lại xuống Huế. Vào Huế, lại sống vật vờ như ở Thanh Hóa. Thỉnh thoảng Nguyễn Bính gửi thơ về đăng báo, nhờ Trúc Đường gửi tiền nhuận bút vào trọ. Nhưng thơ làm sao nuôi nổi người, huống chi lại những 3 người. Cũng đến ngày phải đi... chỉ có một mình Nguyễn Bính ở lại Huế".
Đây là thời kỳ Mạnh Phác và chị Trúc gửi thư và tiền vào cho Nguyễn Bính ở Huế. Đó cũng là thời kỳ Nguyễn Bính viết Xuân Tha Hương và Xuân vẫn tha hương.
Tết này chưa chắc em về được
Em gửi về đây một tấm lòng
Một chị một em, em một chị
Giời làm chia cách mấy con sông...
Chị Trúc, người Nguyễn Bính đề tặng thơ rất trang trọng, người Nguyễn Bính thiết tha sẻ chia tâm sự, thật sự ra chỉ là một "người em văn nghệ" của anh mình: Trúc Đường Nguyễn Mạnh Phác.
Đó chỉ là một hình bóng phụ nữ thoáng qua trong đời Nguyễn Bính. Nhưng nhà thơ trân trọng tôn thờ hình bóng đó, vì Nguyễn Bính mồ côi mẹ từ thủa nhỏ, đã thiếu tình mẫu tử, lại không có chị, có em nào gần gũi. Chị Trúc thật ra rất xa mà lại rất gần đối với Nguyễn Bính. Đó cũng là ảo giác của người gần chết khát trong sa mạc, tưởng rằng mình sắp đến được một ốc đảo đầy suối trong và bóng mát...
Post a Comment