8.Thử làm thơ tục
Hôm ấy ở nhà Việt Quyên, mọi người đang bàn luận ca ngợi thơ Hồ Xuân Hương tục mà thanh, thanh mà tục, một hiện tượng độc đáo trong thi ca Việt Nam và cả thế giới, Nguyễn Bính đến sau, dáng điệu mệt mỏi lừ đừ, chắc đêm qua thức khuya.
Nguyệt Hồ nói:
- Đang bàn chuyện thơ Hồ Xuân Hương, mình làm một bài thơ tục, tả Nguyễn Bính, các ông nghe.
Mọi người tán thành và Nguyệt Hồ đọc:
Văn nghệ hay là văn gừng
Sao ông lửng khửng lừng khừng vậy ôi?
Hai là tối đã tác rồi,
Sáng tác không được mệt nhòai tứ chi ?
Mọi người khen hay vì chơi được chữ “văn nghệ, văn gừng”, “sáng tác- tối tác” và bắt Nguyễn Bính phải trả lời.
Bính uống nước rồi cũng đọc:
“Sáng tác” hay là “tối tác” đây?
Tối không tác đủ tác ban ngày!
Xem ra sáng tác không bằng tối
Tối tác, ông ơi, sướng gấp hai…
Ai nấy đều cười, chịu Bính là ứng tác giỏi.
9. Nhà thơ bị lỡm
Họa sĩ Nguyệt Hồ mời nhà thơ Nguyễn Bính đến chơi nhà. Trước đó họa sĩ đã vẽ một miếng dưa hấu đặt vào đĩa ở bàn.
Giữa chiều hè nóng nực, nhà thơ đến, đang khát, thấy miếng dưa hấu để trong đĩa thật ngon, định cầm ăn luôn. Nguyệt Hồ cười phá lên, Nguyễn Bính còn sờ vào đĩa một lần nữa mới biết mình bị lỡm.
Nguyễn Bính bèn ứng khẩu:
Chán cho họa sĩ Nguyệt Hồ
Đãi bạn dưa thật, ai ngờ giấy dưa
Nguyệt Hồ cũng đọc tiếp luôn:
Buồn cười Nguyễn Bính – nhà thơ
Háu ăn bị lỡm tranh dưa Nguyệt Hồ.
Hai người cùng cười, nhưng rồi họa sĩ cũng mang một đĩa dưa hấu thật ở trong nhà ra thết bạn.
10. Nô-en, En-nô
Dạo ấy ở phố Cửa Đông, Nam Định có một cửa hàng giải khát, chủ quán là cô Tiến, cũng khá duyên dáng. Cơ quan văn hóa ở gần đó, các nghệ sĩ ta cũng hay ra đấy chơi.
Một hôm đúng vào ngày 25 tháng Chạp, tết Nô-en, Nguyễn Bính cùng mấy bạn vào quán chơi. Lúc ấy cô Tiến, chủ quán đang dở chuyện vui gì với mấy cô bạn ở buồng trong, chưa ra tiếp ngay, chỉ có tiếng cười rất to vọng ra. Nguyễn Bính bèn đọc đùa hai câu thơ:
Nô-en trong buồng En-nô
Say sưa mặc khách, ngồi trơ phát phiền (1)
Đọc rồi, Nguyễn Bính đố các bạn làm tiếp sao cho hợp cảnh và chơi chữ cho đắt.
Nguyệt Hồ bèn nhẩn nha đọc theo vần luôn :
Không đi thì dạ không yên
Em TIÊN có sắc, anh TIÊN có khồng !
Gần thôi giữa phố Cửa Đông,
Từ TIÊN sắc đến TIẾN khồng, mà xa !
Nguyễn Bính phải thốt lên :
- Nguyệt Hồ hóm lắm.
Cô Tiến chủ quán ra, sau khi nghe rõ chuyện và nghe mấy câu thơ cũng khoái, pha ngay một ấm trà thật ngon thết các nghệ sĩ.
11. Một nhà thơ, hai tác giả
Việt Quyên là bạn thân của Nguyễn Bính và Nguyệt Hồ. Ông vốn là cán bộ văn hóa của Công đoàn nhà máy dệt Nam Định. Ông cũng có một số bài thơ được đăng rải rác ở các báo chí trung ương và địa phương. Khi về hưu, ông đùa với các bạn là mình chán làm văn nghệ rồi, ông có nghề đánh bẫy chim nên sẽ đi đánh bẫy chim, kiếm ăn…
Một hôm ba người đang ngồi uống nước ở nhà Việt Quyên thì cao hứng Nguyệt Hồ đọc mấy câu thơ tặng Việt Quyên :
Bẫy chim, nghề ấy sướng bằng tiên !
Đánh chén thì ngon, bán được tiền.
Đỏ có chào mào, đen sáo sậu,
Nực thì se sẻ, rét vành khuyên…
Đọc đến đây Nguyệt Hồ bí, bảo Nguyễn Bính tiếp. Bính bèn đọc luôn
Đã quăng bút, chạy làng văn nghệ !
Còn xách lồng theo lũ thiếu niên ?
Bác với loài chim thù bất cộng (1)
Mà sao tên bác lại là Quyên ?
Việt Quyên cười ha hả, phê rằng :
- Bốn câu thơ trên mô tả hiền lành, đúng dạng họa sĩ thích màu sắc. Bốn câu dưới, gây sự cà khịa, đúng là cái chất của Bính. Nhịp điệu thay đổi tưởng như xộc xệch, thế mà đối chỉnh. Hay !
Việt Quyên mở chai rượu rót mời hai bạn.
____________________
(1) “Thù bất cộng đới thiên” là thù không đội trời chung. Quyên là tên chim Đỗ Quyên, chim cuốc cuốc.
12. Đêm hội Ngô Sơn
Khoảng năm 1939-1940, Trúc Khê (Ngô Văn Thiện) nhân dịp rằm tháng tám ta, mời một số bạn thơ về chơi nhà mình gồm: Trần Huyền Trân, Nguyễn Bính, Ngân Giang. Đêm trung thu ấy, Trúc Khê bầy tiệc rượu, bánh trái, trải chiếu cạnh bể nước có hòn núi giả lớn để các bạn thưởng trăng, ngâm thơ. Mọi người đề nghị “Liên ngâm” với đầu đề Đêm hội Ngô Sơn.
Chủ nhà mở đầu:
Non Ngô dưới ánh trăng rằm,
Duyên may hội ngộ tri âm buổi này.
Huyền Trân tiếp:
Rượu nồng chưa nhấp men say,
Nhưng tình đã thấy rót đầy lòng nhau.
Nguyễn Bính:
Chắc rằng gặp mãi nhau đâu!
Duyên bèo nước có bền lâu bao giờ?
Ngân Giang:
Tiệc say dưới ánh trăng mờ,
Tiệc sau e bóng người thơ lạc loài.
Trúc Kê cười:
- Giọng nào ra giọng ấy. Bính vẫn “ma giáo” khác người và Ngân Giang nữ tính hay lo xa. Nhưng thôi:
Bàn chi những chuyện ngày mai,
Thơ vui dâng trọn tình đời, một đêm!
Huyền Trân:
Mai ngày trăng sáng còn nên,
Đời ly biệt mới biết duyên tương phùng?
Nguyễn Bính:
Uống cho say mãi, say cùng
Nghìn năm ai thoát khỏi vòng biệt ly?
Ngân Giang:
Mai sau duyên hãy còn ghi,
Năm năm xin gửi lòng về Ngô Sơn.
Trúc Khê cười:
- Cám ơn tấm lòng trung hậu của nữ sĩ nhé !
Và đọc tiếp:
Chênh vênh núi nhỏ một hòn,
Lưu danh rồi sẽ nhớ ơn thi hào.
Huyền Trân:
Lững lờ trăng đã lên cao,
Ha ha ! hãy rót trăng vào hồn ta !
Nguyễn Bính:
Trăng lên, trăng mãi không tà,
Trăng lên, trăng mãi không già, không non.
Ngân Giang:
Tiệc tàn đêm, chén con con,
Mai sau hãy nhớ trăng tròn đêm nay…
Nguyễn Bính dốc ngược chai rượu, cười :
- nữ sĩ Sông Ngân thật tinh tế, rượu hết cho nên hạ câu “tiệc tàn”, chủ nhân có biết không ?
Trúc Khê vội vào tiếp rượu, nhưng lúc ra thì chủ đề câu chuyện đã đổi và tứ thơ cũng tàn.
13. Thất tình, họa sĩ thành thi sĩ
Họa sĩ Nguyệt Hồ hồi trẻ đẹp trai và nổi tiếng tài hoa, được cô Kim Bảo ở Hàng Nâu cùng phố yêu. Cô Bảo con nhà giàu cũng nổi tiếng là hoa khôi thành Nam hồi ấy. Nhưng do nhiều trắc trở và nhất là do chuyến đi xa của anh (đi Hồng Kông), lúc về cô Bảo đã có chồng! Quá trình yêu đương, họa sĩ đã làm 3 bài thơ tình được 3 thi sĩ vào loại “kiện tướng” khen ngợi. Kể cũng hay.
Bài thứ nhất tả em:
“Trong vườn có bông hoa tươi,
Bên song em nhoẻn miệng cười…
Đau lòng hoa lắm, em ơi
Vì chưng hoa thẹn người người?
Một nụ em cười,
Đẹp biết mấy mươi.
Vì em, anh thổn thức.
Vì hoa, em ngậm ngùi.
Vì em, anh hận lòng đau khổ,
Vì em, hoa tủi, cánh hoa rơi…”
Thi sĩ Nguyễn Vỹ khen nức nở và đăng ngay lên báo Pháp-Việt của ông.
Bài thứ hai tả cảnh xa nhau
“Sen tàn rụng
Thu đã qua
Anh đi đi mãi
Mình em dưới bóng thu tà.
Mờ mắt nhìn anh, em chỉ thấy
Mịt mù thăm thẳm chân trời xa…
Trời xa, trông chẳng thấy anh đâu
Bát ngát hương thu tỏa kín sầu.
Tơi tả lá vàng rơi trước gió,
Vô tình gió xịch bức rèm châu…”
Tản Đà rất thích bài này, ông đã trích dẫn khi phê bình thơ.
Bài thứ ba, khi tan vỡ tuyệt vọng:
“Anh buồn buồn quá đi thôi,
Vì em đã có chồng rồi còn chi!
Trăm năm còn có duyên gì,
Họa còn vương mối sầu bi trong lòng
Từ đây mây nước mịt mùng,
Bao giờ còn thấy bóng hồng vào ra.
Em đi có nhớ chăng là,
Lỡ làng một phút mà xa một đời !
Anh buồn buồn quá đi thôi,
Vì em đã có chồng rồi, còn chi !”
Nguyễn Bính đọc thơ, biết chuyện, nói:
- chỉ ba bài này, họa sĩ thành thi sĩ rồi đấy.
Và làm thơ tặng Nguyệt Hồ:
“Thất tình họa sĩ thành thi sĩ,
Thi sĩ khen cho họa sĩ tài
Ba bức tranh thơ, ba tuyệt tác,
“Nước trăng còn mãi nước trăng soi” (1)
_____________________
(1) “Nước trăng” là biệt hiệu Nguyệt Hồ, thường ký hiệu dưới các tác phẩm một vầng trăng chênh chếch với 3 làn nước song song.
14. Thơ Nguyễn Bính đắt như vàng
Đồng bào Nam Bộ rất mê thơ Nguyễn Bính. Từ năm 1941 thi sĩ vào trong đó, nhiều tờ báo mời Bính tham gia. Ông Tế Xuyên (Hoàng Hữu Tiếp) là chủ bút của một tờ báo cắt đặt Nguyễn Bính làm một bài thơ cho báo mình. Lúc đầu định với giá 1 hào một chữ, sau mặc cả mãi thành 1 đồng một câu!
Bính thấy Tế Xuyên cò kè hà tiện quá, mới nghĩ cách chơi lại 1 vố. Bính làm bài thơ dài bốn mươi câu, nhưng chưa vội đến khi sắp in báo, Bính vẫn nói chưa xong. Chủ bút rất lo, thay bài khác cũng được, nhưng thiếu thơ Bính thì không được, báo sẽ ế. Vả lại, đã giới thiệu quảng cáo rồi, độc giả họ chửi, tẩy chay báo thì chết! Đến ngày in báo, Tế Xuyên phải đến nói khó với Bính làm cho kịp, Bính mới đưa thơ ra. Bài thơ nói về xã hội đảo điên, lòng người điên đảo, trong đó có câu: Thiên hạ đem thơ đọ với tiền thì Tế Xuyên cho là Bính xỏ mình, đề nghị Bính sửa câu đó và phải sửa ngay mới kịp in. Bính đồng ý sửa ngay, nhưng giá phải gấp đôi! Bí quá, chủ bút đành nhận lời. Bính sửa: Thiên hạ bao nhiêu mặt chữ điền (1). “Mặt chữ điền” tượng trưng cho người có tâm huyết. Câu thơ tỏ niềm tin vào xã hội còn có người tốt. Thế là được. Song ông chủ báo phải trả bài thơ 80 đồng. Nếu tính chi li, Bính chỉ phải sửa có 5 chữ. Xin nói rõ năm đó ở Nam Bộ một xu một tô phở, cơm tháng của công chức là 2 đồng đến 4 đồng và một chỉ vàng là 8 đồng, vị chi bài thơ nhuận bút một lạng vàng! Một siêu kỷ lục về giá trị thơ vậy.
__________________
(1) Có giai thoại nói Bính sửa như sau: Xót xa một buổi soi gương cũ. Thấy lệch bao nhiêu mặt chữ điền.
Post a Comment