"Dù bị đau đớn quằn quại, tôi vẫn tha thiết yêu thương trần gian điên dại này"

15. Chơi chữ C

Nữ sĩ N. hồi đầu cách mạng tháng Tám năm 1945 có cảm tình với một cán bộ cách mạng đã khá cao tuổi (gấp đôi tuổi nữ sĩ) nên anh em thường đùa chế. Một lần đồng chí cán bộ kia bị ốm, nữ sĩ mua chục cam đến thăm, chẳng hiểu vì sao lại bị từ chối. Từ đó nữ sĩ cắt đứt quan hê.

Năm 1945 tập kết ra Bắc, Nguyễn Bính đến thăm nữ sĩ và được nữ sĩ mời ăn cam. Nhớ lại chuyện xưa cũ, khi về Nguyễn Bính giấu để xuống dưới đĩa cam 2 câu thơ đùa toàn phụ âm C:

Cô cầm cam, cụ cầm cờ, cô cứ cỳ cèo co céo cụ

Cụ càng cao, cô càng cáu, cô càng cay cú cái con cò!

Khi đọc, nữ sĩ giận lắm và từ đó cũng cắt đứt quan hệ với Nguyễn Bính. Thật khổ thay vì cái tội hay chữ chơi chữ. Bạn bè biết chuyện cũng đặt một câu đùa thêm:

Chơi chữ cam, chơi chữ chua cay, câu chuyện cũ càng, còn cáu kỉnh. Cô cấm cửa, cuối cùng cũng cắt.


16. Lại chơi chữ

Ông giáo H. rất thích thơ Nguyễn Bính. Ông đã cớ vợ nhưng có yêu một người cô đầu hát tên là Duyên. Cô này cũng rất sính thơ. Ông giáo là người cầm trống chầu giỏi và làm thơ cũng khá, ông thường viết bài cho cô Duyên hát. Một hôm ông giáo H mời Nguyễn Bính và Nguyệt Hồ đi một chầu hát ả đào ở nhà cô Duyên phố On Rợp. Sau khi say sưa, bên bàn đèn ông giáo H đề nghị làm thơ liền ngâm chơi.

Nguyệt Hồ lớn tuổi hơn cả, đọc mở đầu một câu chơi chữ thật khó:

Dặn dò dì gió giữ gìn Duyên (1)

Nguyễn Bính đọc ngay:

Hứa hẹn hàn huyên hóa hão huyền

Cô Duyên nghĩ một lúc cũng đọc:

Lầm lỡ, lơ là lòng lạnh lắm!

Ông giáo H làm câu kết:

Tâm tình tơ tưởng tới toà tiên.

Nguyễn Bính cười:

- Câu kết có tâm trạng vơ vào. Nhưng tôi nghĩ giá đổi vài chữ thì khoái tai hơn, có thể là:

Tòm tem toan tính tới tòa tiên

Mọi người đều cười, đề nghị cô Duyên hát ngâm lại. Ông giáo đánh trống trầu, giơ cao tay một cách thích thú.

______________________

(1) “Dì gió” dịch theo chữ Hán: Phong-di, còn có hàm ý nữ khách phong tình.


17. Xuất khẩu thành thơ

Một lần Nguyệt Hồ cùng Nguyễn Bính đến chơi nhà Việt Quyên. Chủ nhà đang câu cá ngoài ao. Nguyễn Bính bảo Nguyệt Hồ đứng lại để mình đọc cho Việt Quyên giật mình. Rồi Bính sẽ đi đến sau lưng Nguyệt Hồ quát to lên 2 câu thơ:

Đành nhẽ làng văn chìm tiếng xuống

Chỉ cần mặt nước nổi tăm lên.

Việt Quyên giật mình vì khi Nguyễn Bính đọc hai chữ đầu “Đành nhẽ”, Bính đọc to như quát, chân dậm bành bạch, và khi đọc đến chữ “Chỉ cần”, Bính sấn ra trước mặt, nhấc cần câu lên và đùa:

-“Chỉ cần” là đình chỉ cái cần câu này lại, vào nhà tiếp khách, nghe chưa?

Nguyệt Hồ và Việt Quyên phải khen tài xuất khẩu thành thơ của Nguyễn Bính. Ứng khẩu đùa bạn, mà chữ nghĩa đối nhau chan chát, lại hợp cảnh, hợp người như thế thật là tài!


18. Xướng họa

Ông Song Ly, tên thật là Xương Lợi do Nguyễn Bính đùa đặt là Song Ly cho có vẻ Tàu, vì ông này có dáng giống chú khách. Nhà ông ở xã Mĩ Tân, ngoại thành Nam Định. Ông song Ly rất thích thơ Nguyễn Bính và hay xướng hoạ, tuy thơ ông chưa hay.

Hàng tuần, Nguyễn Bính cùng các bạn ra nhà ông Ly chơi, nhà ông rất mát, vườn rộng và nhất là lần nào ông Ly cũng làm món gì đánh chén. Lần này, Nguyễn Bính và Nguyệt Hồ ra chơinhà chẳng còn gì. Ông Ly cùng hai nghệ sĩ ta đi lục chạn bát, gầm giường xem có còn gì ăn tạm. May sao, ở cái bị treo lủng lẳng dưới bếp, còn mấy củ khoai tây và ổ gà đẻ có dăm quả trứng! Thế là ba vị, kẻ gọt khoai, người nhóm bếp làm một tiệc cò con...

Rượu ngà ngà, ông Ly lại bắt Bính làm thơ để minh hoạ. Nể lời, Bính nói:

- Thôi được:

Ăn khoai thì lấy vần khoai

Song Ly ta gọi Song Lai cho vần

nhé!

Và Bính đọc thơ luôn:

Có dăm quả trứng, nửa cân khoai

Đánh chén cò con, giở miệng ngài

Bạn đến chơi nhà trơ củ lẳng

Thú gì thơ thẩn, hở ông Lai?

Nghĩ một lúc ông Song Ly hoạ lại:

Những năm hào trứng, bẩy hào khoai

Ít đủ, nhiều no, hỡi các ngài?

Tri kỉ, tri âm, thơ xướng hoạ

Giàu sang, chữ nghĩa, thử vài lai?

Nguyễn Bính cười:

- A, giọng thơ thách thức nhau lắm nhỉ? Đã vậy nghe tôi đọc đây.

Và Bính đọc luôn một thôi ba bài, nhằm dùng hết chữ vần cho khó hoạ:

Nghe thơ chủ trại bứ hơn khoai

Có khổ tai không hả các ngài

Mà dám ti toe đòi xướng hoạ

Ngôn từ lủng củng...lải lài lai...

Những bao tiền trứng, mấy tiền khoai,

Có đắt hay không, hỡi các ngài?

Cái lão Song Ly cay nghiệt quá

Đồng cân chẳng bớt một vài lai.

Ra về chốc nữa nắng xiên khoai

Mặt ủ, mày chau, xạm nét ngài

Râu tóc bù xù trông gớm chết

Phen này phải đến hiệu Xuân Lai (hiệu cắt tóc)

Bính cười giục:

- Nào, hoạ đi chứ, ông chủ?

Quả là ông chủ bí thật. Nguyệt Hồ bèn hoạ đỡ bạn:

Lâu nay cơm nước độn toàn khoai

Lại kém đồ ăn...ngái ngải ngài

Không khéo dạ dày queo quát lại

Mà thân hình cũng oặt – xà – lai (gày còm)

Bính cười:

- Khá lắm, còn phông không?

Nguyệt Hồ lại đọc:

Đây không cần trứng chẳng cần khoai

Xướng hoạ thơ chơi với các ngài

Nếu bí thì đây lên Thượng Lõi

Vui trò gà trọi với ông Lai

Nghe đâu ba người còn lai rai đến chiều và còn hoạ vần đến gần chục bài nữa, nhưng sau say tít, cũng nhàm.


19. Tri âm của nhà thơ

Đó là ông Trần Quốc Lai ở Thượng Lỗi, ngoại thành Nam Định. Nguyễn Bính gọi ông bằng nhiều tên đùa cợt. Trước ông làm ở toà án thời Pháp, tiếng Tây như gió, Bính gọi ông là "thầy phán Tây". Ông mê gà chọi, nhà ông là một sới gà chọi chơi đã mấy đời, các giới nghệ sĩ thuật tứ chiếng khắp Trung Nam Bắc về đây cũng đông (gà chọi cũng là một môn nghệ thuật) Bính gọi ông là “nghệ sĩ gà”. Sinh thời Nguyễn Bính coi ông Lai như là một “tiểu Mạnh Thường Quân” của mình. Những khi thất bại trong trường đời, trong tình ái, đói rét, cô đơn... Nguyễn Bính lại về nhà ông Lai nghỉ ngơi, tâm sự. Nhiều bài thơ (chưa đăng báo), nhiều câu chuyện, nhiều bút tích của Nguyễn Bính chỉ một ông Lai biết thôi.

Cái đặc biệt là cho đến nay (1989), ông Lai đã già lắm, 85 tuổi, mắt đã loà, đi phải chống gậy, tính tình hơi “ lẩn thẩn”, nói trước quên sau, nhưng riêng thơ Nguyễn Bính ông vẫn thuộc lầu lầu. Hỏi đến bài nào, ông đọc từ đầu chí cuối, không lẫn. Ông có những nhận xét về thơ Nguyễn Bính khá tinh tế. Ông nói:

- Thơ Nguyễn Bính có cái lạ, tách riêng ra một hai câu có thể đứng được như một bài thơ hoàn chỉnh. Ví dụ:

Gió mưa là bệnh của trời,

Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng...

Dẫu rằng một cánh, cũng hoa,

Dẫu rằng một nửa, cũng là trái tim.

Và ông đặt tên đầu bài cho các câu thơ ấy. Ví như bài” Tìm nàng” có các câu sau:

Dừng chân trước cửa nhà nàng

Thấy hoa vàng với bướm vàng bên nhau.

Tìm nàng chẳng thấy nàng đâu,

Lá rơi lả tả bên lầu như mưa...

Hoặc ông đặt đầu bài “Tuổi son” cho mấy câu dưới đây:

Thế là tàn một giấc mơ,

Thế là cả một bài thơ não nùng.

Tuổi son má đỏ môi hồng,

Bước chân về đến nhà chồng là thôi!

Theo ông Lai, Thơ Nguyễn Bính rất nhiều đạt đến toàn bích như: Mưa xuân, Thời trước, Tương tư, Viếng hồn trinh nữ, Oan nghiệt, Xóm ngự viên, Truyện cổ tích, Những bóng người trên sân ga, Cô hái mơ, Cô lái đò... Kẻ đánh giá thơ thì mỗi người một khẩu vị chủ quan, nhưng xem ra sự thẩm thơ của ông về Nguyễn Bính cũng thật xác đáng.

Trước đây rất lâu (hơn 20 năm) trước khi người ta tranh nhau sưu tầm, tuyển chọn, tái bản đi tái bản lại thơ Nguyễn Bính, lúc Bính đang khó khăn ba đào, ông Lai đã khẳng định trước các bạn như Nguyệt Hồ, Phong Giao, Trần Khuê, Việt Quyên:

- Nguyễn Bính rất lớn, thế nào rồi nhân dân cũng đánh giá lại, đúng giá trị của thơ Bính…

Quả nhiên, nay đã trở thành sự thật,

Thiển nghĩ, chuyện này nào khác chuyện Bá Nha với Tử Kì thời xưa?


20. Làm thơ mua được xe đạp cung cấp

Hồi kháng chiến chống Mĩ, Ty Văn hoá Nam Hà sơ tán về xã Nhân Nghĩa, cách thành phố gần 20 cây số, Nguyễn Bính lúc ấy công tác ở ty văn hoá nên cũng đi theo, nhưng gia đình vợ con cũng phải bám sát vòng đai ngoại thành, đông dân sơ tán để buôn bán kiếm ăn, ở xã Nhân Hậu. Việc đi lại rất vất vả, Nguyễn Bính thường nói với anh em mong có cái xe đạp để đi. Nhưng đã nhiều đợt cơ quan phân phối xe đạp giá rẻ mà nhà thơ chưa được.

Một chiều, Nguyễn Bính cùng một số anh em phòng Sáng Tác ngồi chơi mát trên bờ sông Châu, có cả thủ trưởng Ty Văn hoá cũng ngồi đó cả. Một ông bạn đố Bính:

- Ngày xưa Tào Thực, 7 bước thành thơ, nay để 7 phút anh có thể làm được một bài thơ hay không? Đầu bài là " Chồng ở Nhân Nghĩa, vợ ở Nhân Hậu".

Bính nói:

- Có hai thủ trưởng và anh em đây, tôi xin đọc luôn thơ, chứ cần gì đến 7 phút. - Rồi Bính đọc:

Chồng thì Nhân Nghĩa, vợ Nhân Hậu

Mười lăm cây số, đường độc đạo!

Không tiền, trời nắng lại không xe,

Khổ muốn kêu trời, trời có thấu?

Khi đọc đến câu cuối, Bính gật gật về phía hai thủ trưởng, như nói với “hai ông Trời”: “Khổ muốn kêu trời trời có thấu?”

Anh bạn đố Bính nói:

- Câu đầu chơi chữ thật hay, đổi một chữ “thì” như lời tự bạch: “Vợ chồng tôi nhân nghĩa, nhân hậu lắm, nên nghèo, không xe…”. Nhưng tôi nghĩ đã “đạo” lại còn “đường” (đường độc đạo) sợ có thừa chữ không?

Bính hỏi:

- Ông bạn ơi, chúng ta đang ngồi ở sông nào đây?

- Sông Châu Giang.

- À, sông Châu Giang cũng như sông Hồng Hà, thì cũng như “đường độc đạo”, chẳng nhẽ gọi là “đường độc” ư?

Mọi người đều cười. Và hai thủ trưởng cơ quan cũng nháy mắt nhau, xem chừng đã “thấu”. Mấy hôm sau, Nguyễn Bính được cấp phiếu mua một xe đạp giá rẻ thật!

0 comments

Post a Comment

Bạn có thể chèn các biểu tượng cảm xúc cho lời bình của mình bằng cách gõ các ký tự như bảng chỉ dẫn sau:
:) :D :)) =)) ;)) ;;) ;) :p :X :-* :">
:( :(( =(( :-o 8-} >:) B-) 8-X :-" :-w More...