"Dù bị đau đớn quằn quại, tôi vẫn tha thiết yêu thương trần gian điên dại này"

28.Dấu son trên má

Hồi Nguyễn Bính yêu A.T. Một lần sôi nổi Bính hôn lên môi người yêu! A.T con gái tỉnh nhỏ, tỏ vẻ ngây thơ sợ sệt, ngượng ngùng. Bính bèn rút luôn giấy bút làm một bài thơ tặng:

Anh đi chẳng hẹn ngày về,

Chỉ thề ai buộc, tóc thề ai chôn.

Muốn gì? Em muốn gì hơn?

Hôn hoàng nay lại hoàng hôn mai ngày.

Môi khô, tóc liễu, thân gầy,

Anh xa, em kẻ lông mày với ai?

Thơ không làm trọn một bài,

Đàn không gượng gẩy một vài khúc ngâm.

Ông tơ già lắm nên nhầm,

Ai cho xum họp, ai làm chia phôi.

Chẳng thà đừng kết duyên đôi

cho đoàn tụ, để rồi xa nhau.

Tính năm, tính tháng thêm rầu,

Ấy hai con én ngang lầu bay bay...

Bài thơ tiên đoán được những khó khăn khó thành công. Riêng A.T khi nhận ra những chữ đầu câu là “Anh chỉ muốn hôn môi A.T. Đàn ông ai chẳng có tính ấy” thì vừa yêu mến, vừa cảm phục, bèn ôm hôn lại vào má Nguyễn Bínhmột cái. Đôi môi son in dấu đỏ tươi!

Về đến Hà Nội, Nguyễn Bính vẫn còn giữ dấu son trên má ấy. Các bạn thơ như Hồ Tăng ấn, Trúc Sơn, Trần Huyền Trân, Thâm Tâm xúm vào đùa chế. Nguyễn Bính mặc kệ còn tuyên bố:

- Ngày xưa vua Tự Đức còn khóc Bàng Phi, có câu:

Đập cổ kinh ra tìm lấy bóng

Xếp tàn y lại để dành hơi...

Mình không thể có gương mà tìm bóng, không có quần áo cũ để tìm hơi, chỉ có dấu đôi môi son của nàng, còn quý hơn, thì phải giữ gìn trân trọng chứ.

Không biết sẽ giữ bao lâu, nếu không có Vũ Hoàng Chương phê phán:

- Dấu son trên má thì quý cái nỗi gì? Hoặc là cô ta chưa yêu cậu say đắm, hoặc là cô ta quê kiềng quá, không dám hôn môi. Giữ làm gì?

Tuy vậy, Bính cũng không giữ được đến ngày thứ bảy.

Tô Hoài còn kể hi đó đến khổ vì hai anh bạn thơ đó là Vũ Hoàng Chương và Nguyễn Bính. Có lần Tô Hoài đi giữa, hai người khoác tay đi hai bên. Hai chàng thi sĩ đa tình, rượu say chếnh choáng vừa đi vừa ngâm thơ tình oang oang. Vũ Hoàng Chương thì rền rĩ:

Tố của Hoàng ơi! Tố của ta,

Nguyễn Bính thì nghêu ngao:

Ta cười: Bữa ấy mình toan giữ,

Mãi mãi dấu son trên má mình.

Kể cũng là những cuồng sĩ!

29.Thi dịch thơ

Hôm ấy ở toà soạn báo “Tiểu thuyết thứ 5”mọi người đang bàn chuyện dịch thơ chữ Hán. Cao hứng, Nguyễn Bính nói:

- Hôm nay có nhiều bài thơ, nhà dịch, nhà lý luận...Các nhà Hán học uyên thâm cả, ta chơi thi dịch thơ nào? Bây giờ ngài chủ bút chọn bài chữ hán nào đó, tuỳ ý - coi như đặt bài. Chúng ta cùng dịch, ai xong trước, dịch hay, là thắng cuộc. Giải thưởng xin đề nghị ngài chủ bút chi tiền nhuận bút ngay mà thôi.

Mọi người tán thành. Chủ bút Lê Tràng Kiều bèn đọc một bài thơ đường:

“Hoàng mai thời thiết gia gia vũ

Phương thảo trì đường cứ cứ oa

Hữu ước bất lai hoa dạ bán

Nhàn soa kì tử lạc đăng hoa”.

Ai nấy cầm bút, gạch gạch xoá xoá, Nguyễn Bính không cầm bút nháp gì cả, một lúc đọc luôn:

Ao hồ tiếng ếch gần xa,

Cỏ thơm ngào ngạt, ngoài nhà mưa rơi.

Nửa đêm cái hẹn sai rồi.

Quân cờ gỗ nhảm làm rơi hoa đèn.

Ai cũng công nhận hai câu kết thật là sáng tạo, “mô - đéc”. Lê Tràng Kiều lại đọc một bài thơ Tình sử:

Nhật ấp Xuân giao vạn lý tình,

Đoạn trường phương thảo, đoạn trường oanh.

Nguyệt tương song lệ đồ vi vũ,

Minh nhật lưu quan bất xuất thành.

Một lúc sau, Nguyễn Bính lại dịch xong trước tiên:

Một chén tiễn đưa tình vạn lý,

Oanh buồn rầu rĩ, cỏ buồn phai.

Mong đem lệ tưới thành mưa lớn.

Ngăn bước đường anh buổi sớm mai.

Lê Tràng Kiều “nháy nháy mắt” với Nguyệt Hồ cười khà khà:

- Thôi, bây giờ đọc một bài ngũ ngôn, dễ hơn cho các dịch giả nhé:

Đoạn đạm trường giang thuỷ

Du du tống khách tình,

Lạc hoa tương dữ hận

Đáo địa nhất vô thanh.

Lần này học sĩ Nguyệt Hồ lên tiếng đầu tiên:

Trường giang nước chảy dầu dầu,

Tiễn đưa một chén dạ sầu đôi nơi,

Nhìn theo hoa rụng tơi bời,

Hoa kia cũng hận cho người biệt ly.

Nguyễn Bính khen:

- Hoạ sĩ nhanh nhỉ. Song còn câu cuối bỏ không dịch ư? Bài của tôi dịch thế này:

Nước Trường giang êm trôi,

Tiễn khách lòng bồi hồi.

Hoa buồn rơi thật nhẹ,

Hoa cũng hận cho người.

Chủ bút cười:

- Được, được, khá cả. Chấp nhận cả hai bài. Sau đây mình đọc một số bài thơ cổ sử, các vị đã dịch xem sao?

Nga nga lưỡng nga nga

Ngưỡng diện hướng thiên nha

Bạch mao phô lục thuỷ,

Hồng trạo mãi thanh ba.

Bài này Nguyệt Hồ lại dịch xong trước:

Hai con nga lội giữa dòng,

Nghiêng nghiêng đôi mỏ, ngừng trông chân giời

Bồng bềnh mặt sóng chơi vơi,

Mỏ vàng, chân đỏ, lông phơi trắng ngần. (1)

Mọi người vỗ tay khen hoạ sĩ, Nguyễn Bính ngạc nhiên, vò đầu bứt tai bực bội nói:

- Được rồi, bây giờ được câu nào mình xào luôn câu đấy!

Lê Trang Kiều cười, vừa a ê đọc một câu:

Cánh hoa, nhiên viễn, thiên nhai cạn

(Cách nhau có 1 luống hoa mà sao cảm thấy em xa xôi thế, chân trời còn gần hơn.)

Chưa đọc kịp cả bài. Nguyễn Bính đã dịch luôn:

Anh nhìn qua cụm hoàng hoa,

Chân trời gần gũi, em xa vạn nghìn.

Mọi người phá lên cười, nhưng đều chịu Bính dịch nhanh và hay. Chủ bút sợ giả nhuận bút nhiều quá, nên cuộc thi dịch thơ dừng tạm ở đấy.

__________________

(1) Sau Lê Tràng Kiều tiết lộ sợ Bính giật hết giải ông đã đọc hai bài sau mà ông biết Nguyệt Hồ đã dịch từ trước, cốt chơi khăm Nguyễn Bính.

30. Đề thơ “Nhà lăn Mê ly”

Vào những năm 1940 hoạ sĩ Hoàng Lập Ngôn (nhiều người đùa ông là Hoàng “lập dị”), nổi máu giang hồ, ông đóng một cỗ xe ngựa như một cái nhà lưu động. Ông dùng để đi khắp Bắc Trung Nam, sang cả Lào và Cao Miên, trên chiếc xe đó. Đi đến đâu thì kiếm ăn bằng nghề vẽ. Kí hiệu của ông là chiếc bánh xe lăn và ông đặt chiếc xe ngựa là “Nhà lăn Mê-ly”(1)

Sáng hôm mùng 8 tháng 2 năm 1942, “Nhà lăn Mê-ly” xuất phát từ đền bà Kiệu – Hà Nội. Ra tiễn có nhiều bạn bè, nhà văn, nhà báo: Lê Tràng Kiều, Trương Tửu, Nguyễn Bính...

Nhiều người có tặng phẩm cho chủ nhân như một tập giấy, một hộp màu, cây bút vẽ, có người tặng một chai nước mắm, một gói thuốc khô...

Nguyễn Bính bèn bảo Hoàng Lập Ngôn đưa cho hộp mực mầu và bút vẽ, rồi viết lên thành xe 4 câu thơ tặng:

Đây chiếc “xe lăn” của bốn trời

Trăng vàng chan chứa, gió mê tơi.

Hôm nay xe lại lên đường nhỉ,

Thoả máu giang hồ mặc sức chơi.

Bốn câu thơ trình bày như đôi câu đối trang trí trong xe. Lê Trang Kiều nhận xét:

- Mấy chữ “trăng, gió, máu, chơi” được tô đậm, tác giả có ngụ ý gì đây?

Hoàng Lập Ngôn cười:

- Nó xỏ tôi “Máu trăng gió” chứ gì...

Sau này, Hoàng Lập Ngôn kể lại với hoạ sĩ Nguyệt Hồ là đã ngâm nga suốt dọc đường “trường chinh” 4 câu thơ này rất thú vị.

31. Bài thơ bị sái

Cuối năm 1965, năm kỷ niệm 200 năm sinh Nguyễn Du – Nguyễn Bính làm việc sôi nổi, hào hứng đặc biệt. Anh thuộc truyện Kiều từ đầu chí cuối – vốn coi cụ Tiên Điền như một vị tổ sư – nên chuẩn bị việc kỷ niệm này, Nguyễn Bính viết không mỏi, anh viết Bài ca quê hương, ca ngợi đất nước mình có nền nhạc, nền thơ, có kho tàng văn học dân gian đồ sộ. Và "Có Nguyễn Du và có một truyện Kiều". Phải chỉ "có một truyện Kiều" mà thôi.

Chuẩn bị số báo Tết Nguyên Đán năm Bính Ngọ ấy, chúng tôi cũng dành rất nhiều bài về Nguyễn Du, từ chính luận đến các bài sáng tác, các chuyện giai thoại về Nguyễn Du và Kiều. Các hôm duyệt bài báo Tết, anh em cảm thấy như Tết đã đến rồi. Nguyễn Bính khỏe, tươi, tay thủ một tập giấy mỏng. Anh khoe: Trong một đêm, đã viết được một bài tập Kiều, vịnh cụ Tiên Điền. Anh không cho ai xem chờ lúc ra hội đồng đủ mặt mới trịnh trọng giở trang giấy viết công phu – chữ đẹp như xếp, rồi hắng giọng ngâm nga.

Kính tặng cụ Nguyễn Du và truyện Kiều

Cảo thơm lần giở trước đèn

Là nhiều vàng đá, phải tìm trăng hoa

Trăm năm trong cõi người ta

Một thiên tuyệt bút, gọi là để sau

Khen tài nhả ngọc phun châu

Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình

Mấy lời ký chú đinh ninh

Rằng tài nên trọng mà tình nên thương

Khen rằng giá đáng Thịnh Đường

Thì treo giải nhất, chi nhường cho ai

Gẫm câu người ấy, báu này

Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào

Nặng vì chút nghĩa xưa sau

Mà cho thiên hạ trông vào cũng hay

Thương vui bởi tại lòng này

Tan sương đầu ngõ, vén mây cuối trời

Lòng thơ lai láng bồi hồi

Tưởng người nên lại thấy người về đây...

Cả hội đồng duyệt bài số báo tết hôm ấy cùng lặng đi. Bài tập Kiều thật hay. Nhưng nghe ra...đây tuy đề tặng cụ Tiên Điền, mà sao cứ như tâm sự của Nguyễn Bính, tổng kết cái cuộc đời thơ tài hoa, long đong lận đận và những câu sau cùng, sao mà nó sái quá. Một lời là một vận vào, khó nghe.

Nguyễn Bính cười trừ:

- Các ông mê tín! Cứ hay là được rồi.Tôi xin nộp bài này. Một câu một chữ không sửa.

Câu chuyện qua đi. Những ngày sắp Tết mưa dầm và làm việc bận rộn. Mọi người gắng làm xong việc, về gia đình vui tết với vợ con, cái tết chống Mỹ, nhưng có đủ bánh chưng giò nạc. Nguyễn Bính có chương trình khác. Cái máu giang hồ vặt lại nổi lên. Anh muốn tạo ra một xuân tha hương nữa. Tha hương đây không phải là nơi cách trở ngàn dặm, mà là một làng ở ngay huyện Lý Nhân, ở đây anh có một người bạn yêu thơ, nhà làm thuốc đông y. Hai vợ chồng ngỏ ý mời từ lâu. Nguyễn Bính chọn ngày giáp tết. Anh xắn cao quần, pha đường bùn đất, lặn lội tới chơi. Chủ nhà cảm động đến rơi nước mắt. Cái tết "tha hương" này, hẳn là ấm cúng, tình bạn, tình người. Ngờ đâu...

Sáng 30 tết. Nguyễn Bính ra vườn chơi. Một luồng gió lạnh. Anh rùng mình, thổ huyết rồi ngất xỉu. Gia đình chủ nhà hết lòng chạy chữa. Nhưng không kịp nữa rồi.

Tân Thanh đáo để, vị thùy hương

(Tân Thanh sau hết, ngậm ngùi vì ai...)

Nhà văn Chu Lai thuật lại: “Mồng sáu tháng giêng ta, tôi lên Hội Nhà văn thông báo về việc anh Bính mất. Gặp Tô Hoài, cùng ngậm ngùi nói chuyện về người bạn mới mất. Sau đó, tôi tìm đến nhà Trần Lê Văn. Nghe tin Bính mất, Trần Lê Văn tròn xoe đôi mắt kinh ngạc.

- Bính chết thật ư? Bao giờ?

- Ba mươi Tết, trước giao thừa.

Trần Lê Văn bỗng xỉu mặt, đấm vào đùi đánh bịch:

- Biết mà! Biết mà. Chết trước mồng một – đã lường thấy từ bao giờ rồi.

Tôi gặng:

- Sao anh nói vậy?

Trần Lê Văn nói như gắt:

- Ô kìa! "Năm mới tháng giêng mồng một Tết. Còn nguyên vẹn cả một mùa xuân". Nó để mùa xuân nguyên vẹn cho người. Nó đi mà.”

Tôi sực nhớ bài tập Kiều "Lời lời lệ sa máu rỏ" đăng trân trọng trong số báo Tết. Ôi! Thương quá. Chẳng lẽ trong thơ có quỷ, có ma thật chăng?

32. Những người yêu thơ thiết thực

Hồi Nguyễn Bính theo Ty văn hoá Nam Hà sơ tán về xã Nhân Nghĩa, nhân dân địa phương biết là nhà thơ Nguyễn Bính ở đây nên hay đến tiếp xúc và lấy làm thú vị là được quen biết nhà thơ của quê hương.

Có ông B là thợ cắt tóc, không bao giờ lấy tiền cắt tóc nhà thơ. Đáp lại, Nguyễn Bính thường cắt những bài thơ đăng báo của mình và cả những bài chưa đăng báo tặng ông. Ông B dán ngay lên vách cửa hàng. Hiệu cắt tóc của ông B từ đó rất đông khách, có lẽ một phần khách đến chỉ cốt mong được đọc thơ của Nguyễn Bính. Âu cũng là sự “có đi có lại”một cách ngẫu nhiên.

Cô lái đò sông châu là cô T cũng vậy, không bao giờ lấy tiền đò thi sĩ. Có lần Nguyễn Bính hỏi cô đã đọc bài thơ “Cô lái đò” của ông chưa. Cô nói đọc rồi và đọc luôn cho ông nghe. Một hôm, cô thú thực với ông là cô cũng có một mối tình gần như thế, nhưng đã 5 năm anh ấy đi bộ đội chưa về mà cô chưa hề “lỗi ước với tình quân”! Nguyễn Bính cảm động có làm một bài thơ mới “Cô lái đò ngày nay” tặng cô (tiếc là chưa sưu tầm được). Khi nghe tin Nguyễn Bính mất cô đã khóc nức nở và nói với Chu Văn, nguyên trưởng Ty văn hóa Nam Hà:

- Giá chết thay được thì cháu xin tự nguyện chết thay để bác ấy sống, bác ấy làm thơ.

Bà chủ nhà mà Nguyễn Bính ở nhà nhờ, nhà cũng nghèo thôi, nhưng trong vườn mùa nào thức ấy, khi trái bưởi, lúc tấm mía, lúc củ khoai luôn trân trọng mời Nguyễn Bính ăn, bà nói là “cây nhà lá vườn”, gọi là “bồi dưỡng” nhà thơ… Khi Nguyễn Bính mất bà đã thắp hương cúng 1 tuần cho thi sĩ…

Người nghệ sĩ chân chính nào chẳng mong muốn có những độc giả chân tình như thế.

2 comments

  1. Anonymous

    June 6, 2012 at 2:58 AM  

    Mình đọc bài viết của bạn cảm thấy rất hay. Kính chúc bạn sức khỏe, mình cũng yêu thơ Nguyễn Bính lắm vì ông biết rất giản dị, gần gũi với chính con người quê chúng mình.

  2. vohinhlangtu

    June 7, 2012 at 10:52 AM  

    Cảm ơn bạn nhiều :D

Post a Comment

Bạn có thể chèn các biểu tượng cảm xúc cho lời bình của mình bằng cách gõ các ký tự như bảng chỉ dẫn sau:
:) :D :)) =)) ;)) ;;) ;) :p :X :-* :">
:( :(( =(( :-o 8-} >:) B-) 8-X :-" :-w More...