"Dù bị đau đớn quằn quại, tôi vẫn tha thiết yêu thương trần gian điên dại này"


Các cô gái bây giờ có quá nhiều cái sướng. Có vô số mỹ phẩm để lựa chọn, có la liệt thời trang để suy nghĩ, có ngổn ngang quà vặt để… ăn quà. Nhưng trên hết, theo tôi, có nhiều thời gian để… chọn chồng.

Càng ở các nước văn minh, nhất là ở thành thị, phụ nữ càng lấy chồng muộn hơn. Tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, tỷ lệ lấy chồng khi đã ngoài ba mươi ngày càng tăng, tăng tới mức… không lấy cũng chả sao.

Tôi không nghi ngờ gì chuyện lập gia đình là chuyện quan trọng, nhưng thú thực, tôi bắt đầu nghi ngờ khi coi việc này quan trọng nhất, ít ra lúc người ta… mới được ba mươi!

Chắc chắn sẽ có một trận bão phản đối ý kiến này, và các nhà phản đối sẽ đưa ra những “bằng chứng” không thể chối cãi về sinh học, phong tục học, tự nhiên học… nói chung là phức tạp học! Tôi thì chỉ có một chỗ bám víu thảm thương thôi: niềm vui học!

Niềm vui quan trọng lắm. Nó đôi khi là cái cớ duy nhất để ta chịu đựng nhiều thứ nhọc nhằn trên cõi đời này. Muốn có niềm vui, mỗi người mỗi cách. Nguyễn Du thì viết Truyện Kiều “để mua vui vài trống canh”, Nguyễn Bính thì làm thơ, Nguyễn Ngọc Tư viết “Cánh đồng bất tận”, Nguyễn Thị Thu Huệ viết kịch bản phim, còn Phạm Thị Kim Huệ đánh bóng chuyền trong khi Nguyễn Thị Huyền đi thi hoa hậu. Tất cả những niềm vui đó đều làm cho cuộc sống của chúng ta đây… vui hơn, nghĩa là phong phú hơn, đa dạng hơn, nhiều ý nghĩa hơn và có bảo rằng cao quý hơn cũng chẳng sai.

Mà muốn làm được những thứ ấy, các cô gái đầy tài năng đó cần nhiều thứ, nhưng có một thứ cực kỳ quyết định: thời gian!

Vĩ nhân hay kẻ tầm thường, cô thôn nữ ngây thơ hay bà tiến sĩ sắc sảo, thời gian đều sẽ như nhau. Nghĩa là với kẻ nào, một phút cũng chỉ gồm sáu mươi giây, và một giờ cũng chỉ gồm sáu mươi phút. Tóm lại, khi người ta làm cái này, người ta sẽ không còn thời gian để làm cái kia (tất nhiên, có nhiều thiên tài làm nhiều chuyện một lúc, nhưng số đấy ít lắm nên tôi chẳng dám bàn).

Nhìn chung, trí tuệ các nàng và các chàng đều bùng phát trong khoảng từ 20 đến 30 tuổi. Kèm theo trí tuệ là những giác quan, những nhân sinh quan và thế giới quan (rất tiếc cho ai ở tuổi này đã mơ tới… cửa quan). Dành những khả năng vô giá ấy cho việc khám phá văn hóa, nghệ thuật, khoa học thì tôi thấy có lợi hơn dành cho… gia đình.

Viết đến đây, tôi xin dừng lại để chờ cho những tiếng la ó dịu xuống rồi mới dám viết tiếp. Tôi biết nhiều người trong các bạn coi gia đình là cao quý nhất. Xin các bạn cứ giữ lấy quan niệm đó với sự ngưỡng mộ chân thành. Nhưng cũng phải thành thật với nhau, tôi ngưỡng mộ nhưng tôi không bắt chước!

Bởi gia đình, theo tôi nghĩ, muốn bền vững cần xây dựng trên một cái nền vững chắc về vật chất, về tư duy và nhận thức. Mà những thứ ấy, dưới 30 tuổi bây giờ, rất khó, rất khó có được.

Càng những vùng lạc hậu và càng về xa xưa, trai gái càng kết hôn sớm. Bởi hôn nhân có nhiều lý do, nhưng lý do bản năng là đơn giản nhất để làm chuyện này. Người ta có thể lấy chồng vì yêu, và cũng có thể lấy vì không lấy sẽ chả biết làm gì. Đấy không phải là hồn nhiên, hay tôi được quyền nói thẳng ra, tôi sẽ bảo đó là thứ hồn nhiên man rợ.

Còn tính mất ổn định có thể hiểu là thiếu tự lập. Rất ít các thanh niên hiện nay, dưới ba mươi tuổi, đã có một việc làm đủ nuôi sống vợ con, có nhà cửa, ngựa xe đàng hoàng. Phần đông họ đều sống chung với bố mẹ, vẫn còn dựa dẫm về tinh thần hay vật chất rất nhiều vào thế hệ trước theo kiểu “nhà mặt phố, bố làm to”.

Ai có thể không hiểu điều này, chứ các cô gái lại cảm nhận rất rõ nếu có chút tư duy. Họ nhìn thấy ở các chàng trai vẻ hào hoa, vẻ lịch lãm có thừa nhưng vẻ vững chãi còn rất thiếu, kết quả là họ lưỡng lự.

Nhưng đấy mới chỉ là một vế. Người con gái hôm nay, ngoài quan tâm tới đàn ông, còn dành một thời gian rất lớn (và càng ngày càng lớn) để quan tâm tới… bản thân mình.

Điều đó thì có gì sai, hỡi các nhà mô phạm? Các cô càng ngày càng nhận ra một chân lý hiển nhiên là bản thân họ cũng có những khát vọng mà họ cần tôn trọng (chứ không đợi đàn ông tôn trọng). Đó là học vấn, là du lịch, là các cuộc tiếp xúc và các cuộc… chơi.

Con gái cần đi, thậm chí đi nhiều (nếu bạn không tin, bạn cứ đến các sân bay, sẽ thấy tràn ngập con gái Nhật) con gái cũng cần ăn tiệm, cần xem hòa nhạc, xem ba lê, cần tự lái xe hơi và cuối cùng… tự chọn.

Chọn cái gì? Phấn son ư? Quần áo ư? Nước hoa ư? Đã có quảng cáo chọn giùm rồi. Chọn đây là chọn chồng đấy ạ.

Bây giờ mà còn nói “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” thì chả “đứa” nào tin. Các thiếu nữ càng ngày càng hiểu quyền chọn lựa đấng phu quân là quyền cao quý nhất, thiết thân nhất, thậm chí khi có quyền này là cơ bản giải quyết xong quyền bình đẳng. Mà muốn chọn cần gì? Cần bản thân mình có “giá” thậm chí “giá” cao, điều này, các nữ trí thức ngày càng làm được. Sau đó, cần… nhiều.

Nói đơn giản, nếu mười anh ta chọn một anh là tốt, nhưng năm mươi anh chọn một anh là tốt hơn, một trăm anh chọn một anh là tốt lắm, còn ngàn anh mới chọn một anh thì tốt tuyệt.

Tất nhiên, loài người đã trải qua chế độ nô lệ lâu rồi (ít ra là trong thành thị). Không phải một nghìn anh đứng cho các thiếu nữ nhà ta xem mắt, xem răng và xem… vài thứ khác. Sự lựa chọn của những cô gái đáng yêu bây giờ phong phú hơn, nghiêm khắc hơn nhưng dễ chịu hơn (đến mức không được chọn cũng… khoái) nó không diễn ra ở… chợ như trong phim “Cội rễ” mà ở hiệu sách, quán cà phê, giảng đường, văn phòng công ty hay… sân bóng đá (nếu bạn may mắn là cầu thủ ngôi sao).

Để tìm được người đàn ông lý tưởng, các cô gái lý tưởng phải tiếp xúc trong mọi góc cạnh, mọi lĩnh vực ngày càng đa dạng. Tất cả đều đòi hỏi sức lực, trí tuệ và… ngày tháng.

Hôn nhân càng bền vững khi thời gian tiếp xúc càng kỹ. Kỹ tới mức tại Bắc Kinh, Tokyo hay Singapore, thời gian tiếp xúc có thể là… vô tận!

Khối cô không chịu lấy người đàn ông mà mình đã chung sống rất lâu. Tôi không dám “tân thời” đến thế, nhưng cũng không dám bảo các cô gái ấy điên!

Đã có một thời, nhu cầu dở nhất, nhưng phổ biến nhất của hôn nhân là nhu cầu dựa dẫm. Người vợ lấy chồng vì hy vọng “tấm chồng” cũng như “tấm ván”, có thể dùng để chống đỡ, để che chắn. Nhưng đã đến lúc phụ nữ không cần ván nữa mà cần tới… pha lê.

Lấy chồng muộn chả phải mốt, chả phải quy định như hạn chế xe gắn máy, cũng chả phải dịch bệnh như cúm gà. Nó là một xu thế, than ôi, không gì cưỡng lại được (và chả hiểu tại sao phải cưỡng!). Nó làm cho các thiếu nữ trước khi “lấy ai” đó được “lấy mình” một cách trọn vẹn. Lấy chồng muộn muôn năm!


Lê Thị Liên Hoan

0 comments

Post a Comment

Bạn có thể chèn các biểu tượng cảm xúc cho lời bình của mình bằng cách gõ các ký tự như bảng chỉ dẫn sau:
:) :D :)) =)) ;)) ;;) ;) :p :X :-* :">
:( :(( =(( :-o 8-} >:) B-) 8-X :-" :-w More...