Con gà: Tôi vừa xem phim về.
Phóng viên: Trời ơi, anh yêu điện ảnh ư?
Con gà: Yêu lắm. Nhưng khổ thay, đó chỉ là tình yêu đơn phương.
Phóng viên: Sao lại đơn phương?
Con gà: Vì hình như điện ảnh không yêu tôi, rất ít khi gà được lên phim.
Phóng viên: Anh đừng buồn, anh ạ. Phim là của ca sĩ, người mẫu, diễn viên… chứ không phải của gà.
Con gà: Trừ phim hoạt hình.
Phóng viên: Ừ, những phim ấy thường do các con vật thủ vai.
Con gà: Vậy theo nhà báo, phim hoạt hình có gì hay?
Phóng viên: Nhiều lắm. Và cái hay đó cũng nằm trong cái hay chung của điện ảnh. Đó là gây xúc động một cách hợp lý.
Con gà: Thưa nhà báo, thế nào là hợp lý?
Phóng viên: Là mọi sự kiện, mọi tính cách đều diễn ra theo một trình tự chấp nhận được.
Con gà: A, thế thì tôi sợ rằng cái trình tự ấy đang hại chúng ta.
Phóng viên: Ý gà là sao?
Con gà: Ý tôi là các nhà làm phim, các nhà phê bình và các nhà… khán giả Việt Nam hay xem xét tác phẩm dưới một góc độ thực tế, dùng thực tế làm thước đo một cách dai dẳng và bền bỉ, và rất hay la ó khi thấy có điều gì khác thường.
Phóng viên: Như thế có gì sai?
Con gà: Không sai. Nhưng như thế có khả năng chả có gì hay. Nghệ thuật không chỉ phản ánh hiện thực, mà còn phản ánh những gì chúng ta suy nghĩ và sáng tạo từ hiện thực.
Phóng viên: Theo kiểu nào, thưa anh gà?
Con gà: Đôi khi, theo kiểu táo bạo nhất.
Phóng viên: Ví dụ?
Con gà: Ví dụ như tôi vừa xem xong bộ phim "Gấu trúc Kung Fu".
Phóng viên: À, tôi biết bộ phim đó, nó rất hay. Rất nổi tiếng, đã có hàng trăm triệu người xem.
Con gà: Đúng vậy. Bộ phim đã lôi cuốn và làm xúc động rất nhiều người. Nhân vật chính là một con Gấu trúc béo.
Phóng viên: Vâng.
Con gà: Nhưng điều kỳ lạ, con Gấu ấy có bố là một con Vịt.
Phóng viên: Vịt ư?
Con gà: Đúng thế. Xin hỏi nhà báo, Vịt đẻ ra gì?
Phóng viên: À, tất nhiên là ra trứng Vịt. Toàn thế giới đều biết điều đó.
Con gà: Nhưng toàn thế giới chưa ai than phiền về việc Vịt đẻ ra Gấu trong phim. Như vậy, phải chăng, thế giới đã ngốc?
Phóng viên: Ừ nhỉ?
Con gà: Tôi thì biết chắc một điều: các nhà làm phim ấy không ngốc. Để có sức lực làm phim, họ phải ăn nhiều thứ, và có thể đã ăn cả trứng Vịt. Nhưng họ vẫn cho con Vịt làm bố con Gấu. Họ không quan tâm tới tính hiện thực một cách… mãnh liệt. Và họ đã thành công.
Phóng viên: Tôi thừa nhận, họ đã thành công.
Con gà: Cái chi tiết, Vịt đẻ ra Gấu từ bất thường đã được chuyển thành phi thường. Và nó là một bằng chứng hùng hồn cho thấy hiện thực không phải là điều quan trọng nhất trong nghệ thuật.
Phóng viên: Nào ai nói thế đâu!
Con gà: Tất nhiên. Nhưng phần lớn chúng ta hiện nay đều cư xử như thế. Chúng ta luôn luôn dùng hiện thực như một thước đo lớn nhất, thậm chí chung nhất để làm thước đo xem xét nhiều tác phẩm. Và buồn hơn cả, chúng ta thường chắc mẩm là mình đúng. Tôi thì cam đoan rằng, ở đâu có sự lạm dụng hiện thực, ở đó có sự nghèo nàn về trí tưởng tượng. Mà trí tưởng tượng là điều, theo tôi, quý giá nhất của những người sáng tác.
Phóng viên: Có lẽ anh đúng, anh Gà ạ!
Con gà: Như tất cả mọi thứ trên đời, nghệ thuật có lịch sử của nó. Ví dụ như hội họa, hầu như bây giờ không ai vẽ tranh theo lối cổ điển, trong đó tính chân thực được đánh giá rất cao. Thế giới đã có những trường phái khác rồi.
Phóng viên: Đừng phiền lòng, anh Gà ạ. Điều anh nói không có gì mới đâu. Nhưng chúng tôi, các nhà báo, các nhà phê bình và cả các nhà sáng tác đang đề cao hiện thực bởi vì trong cuộc sống hiện nay, hiện thực vẫn rất quan trọng, vậy thôi.
Con gà: Tôi xin nhắc lại là tôi hiểu tầm quan trọng của nó. Nhưng nếu cứ đề cao tính hiện thực một cách thái quá, có thể nghệ thuật của chúng ta sẽ tự làm nghèo mình.
Phóng viên: Thôi được rồi. Sắp tới tôi sẽ đề nghị làm một bộ phim mà trong đó Gà có sừng hoặc Tê Giác có vẩy cho anh vừa lòng.
Con gà: Vấn đề của nhà báo là làm sao cho người có cánh cơ!
Post a Comment