"Dù bị đau đớn quằn quại, tôi vẫn tha thiết yêu thương trần gian điên dại này"



Mới 3 giờ chiều, Cương đã rời nhà máy trở về căn phòng nhỏ hẹp của mình ở tầng thượng chung cư X. Việc phá bỏ thông lệ này một cách đường đột không phải không có lý do: giám đốc nhà máy vừa kêu anh lên trao quyết định cho nghỉ hưu trước tuổi kèm theo hai ngàn đồng nhân dân tệ - tiền bồi dưỡng "về vườn” theo chính sách hiện hành.

Cương mới 30 tuổi chưa vợ con, lại có thân hình lực lưỡng với bộ ngực vạm vỡ và cánh tay cuồn cuộn những bắp thịt. Việc nghỉ hưu non đối với một con người đang tràn trề sinh lực thế này, thoạt nghe như nghịch lý mà lại rất hợp lý, vì nhà máy sắp công bố phá sản. Là người quen sống "ngủ giường cá nhân, ăn bếp tập thể", nên khi cầm trên tay quyết định nghỉ hưu, Cương cảm thấy hụt hẫng, chới với như sắp rời mặt đất bay lên vũ trụ!

Sau khi tắm táp qua loa, chàng trai mở tủ lấy áo “chim cò” ra mặc, rồi ra phố ăn cơm tiệm, mở đầu cuộc sống đụng đâu ăn đó. Đi được một quãng đường, Cương thấy bên trái nhà hàng Hướng Dương có một tiệm mì đang bốc hơi nghi ngút. Anh quyết định đến đó, và rất may, quán này đang vắng khách, chỉ có mỗi ông chủ béo lùn, vừa xỉa răng ngó mông ra ngoài, vừa nựng đứa bé đang ngủ trên tay. Vừa thấy chàng trai xuất hiện trong bộ áo “chim cò”, ông chủ quán liền phun cây tăm đang ngậm, rồi cười toe toét:

- Cậu đó hả?

- Ông quen tôi? - Cương ngơ ngác hỏi.

- Quen! Hồi sáng, cậu vô đây ăn mì, rồi thừa lúc tôi sơ ý, bỏ lại thằng nhóc này trên ghế. Cậu nhận nó, rồi cút ngay cho tôi nhờ!

- Ông nói cái gì? - Cương la toáng lên - Ông nên nhớ, đây là lần đầu tiên tôi đến quán này, và cũng là lần đầu thấy được cái bản mặt đầy mỡ của ông. Ông không được ăn nói hàm hồ!

Cơn giận nổi lên khiến mặt Cương đỏ rựng lên như mặt Quan Công. Anh quắc mắt nhìn chủ quán một lần nữa, rồi hùng hổ đi ra cửa. Ngay lúc đó, ông ta lạch bạch bám theo Cương, vừa nắm tay lôi anh lại, vừa cười giả lả:

- Xin cậu bớt nóng! Tôi trông gà hóa cuốc. Tôi có lỗi! Mà lỗi này cũng... do cậu một phần!

- Ông nói sao? Do tôi?

- Không! Do cái áo "chim cò" của cậu. Mà thôi, cậu đừng giận nữa, tôi năn nỉ cậu đấy!

Chủ quán lại cười khẹc khẹc, rồi hun cái "chụt" lên tay áo chàng trai với hy vọng làm lành, và quả đúng như vậy, cách làm này tỏ ra có hiệu lực. Cương đã chịu ngồi xuống ghế, đưa tay đánh tróc một cái, rồi ra lệnh dõng dạc:

- Một tô lớn, có chất lượng!

- Có ngay!

Chủ quán trở lại bếp, nhưng chưa làm gì đã quay lại, đứng bên cạnh chàng trai:

- Bị vướng thằng nhỏ, tôi không làm ăn gì được! Xin cậu giữ nó giùm tôi một chút!

Thằng nhỏ có hình hài và gương mặt rất dễ thương. Trong giấc ngủ say nồng, đôi mắt nó híp lại như hai lằn chỉ, còn đôi môi đỏ mọng lại hé mở nụ cười. Cương bế nó lên tay, nghe hơi thở đều đều và nhẹ tênh như làn hương của hoa đồng cỏ nội, anh cảm thấy thư thái, dễ chịu.

Chủ quán đã đặt lên bàn tô mì bốc hơi nghi ngút, rồi nhận lại từ tay Cương đứa bé đang ngủ say. Ông ta nói làu bàu trong miệng:

- Từ sáng tới giờ, một thân một mình, tôi vừa bán mì, vừa phải bế thằng nhỏ. Tôi đuối sức lắm! Đợi tới chiều, nếu không có ai đến nhận, chắc là phải bỏ nó ra đường!

- Ông nói cái gì? - Cương gõ mạnh thìa xuống mặt bàn - Tuyết đang phủ dày thế này, ông tính cho nó chết hay sao?

- Không làm vậy thì biết làm gì bây giờ - Mặt chủ quán nhăn nhúm, méo xẹo như cái bị rách - Tôi đã nghĩ hết cách rồi!

Chàng trai ném thìa, vụt đứng dạy:

- Sao lại hết? Ông phải nuôi, chẳng phải ông vừa nói, ông ở một thân một mình là gì?

- Đúng là tôi ở đây một mình, nhưng tôi còn phải nuôi bà lớn, bà nhỏ và 6 đứa con ở dưới quê! Tôi mỏi mệt lắm rồi, cậu đâu có biết!

Cương cảm thấy đắng miệng, không thể nào nuốt hết tô mì, mặc dù bụng hãy còn đói. Anh đưa tay lên chống cằm, rồi nhìn tuyết trắng đang phủ đầy đường: "Không khéo đêm nay thằng nhỏ này lại lâm vào tình cảnh của mình 30 năm trước”. Anh nhớ lại, hồi đó, vừa được hai tháng tuổi, anh đã bị vứt ra đường giữa mùa đông lạnh giá. Theo bà tốt bụng đã cứu anh kể lại, khi lôi anh ra khỏi đống tuyết, người anh đã thâm tím và cứng đờ như con cá ướp đá. Vậy mà như cây tùng, cây bách của quê hương, anh đã sống, đã đứng dậy được trong vòng tay ấm áp của hàng xóm láng giềng. Cho đến bây giờ, anh vẫn là một đứa con không cha, không mẹ, một đứa con hoang.

Chàng trai rút khăn lau miệng, lấy tiền đặt dưới tô mì; rồi vụt đứng dậy, chìa hai tay ra trước mặt chủ quán:

- Ông trao nó cho tôi! Ông không dám nuôi, thì tôi nuôi nó vậy!

Đứa bé được nằm gọn trong vòng tay của Cương, và lạ thật, tuy đã tỉnh giấc, đã mở mắt nhìn anh thao láo, nhưng nó không khóc. Trời đã tối hẳn, cái lạnh của đêm đông bắt đầu ngấm vào da thịt. Bất chấp tất cả, Cương bế thằng nhỏ lao nhanh ra đường đang phủ đầy tuyết trắng.

Sáng sớm hôm sau, Cương lấy chăn, gối che chắn cẩn thận, đặt thằng nhỏ nằm lọt thỏm giữa giường, rồi vụt chạy ra phố mua về sữa bột, phích nước, tã lót, tấm đắp, dầu cù là và một số thuốc cần dùng cho nó. Công việc phục vụ đứa bé cứ xoay mòng mòng như chong chóng, đôi lúc cảm thấy đuối sức, nhưng Cương rất vui, vì dẫu sao sau khi nghỉ hưu, anh cũng có công việc để làm, hơn là nằm sóng sượt trên giường, vừa vắt tay lên trán, vừa thở vắn than dài... Thằng nhỏ coi bộ thích anh và dễ nuôi. Bao nhiêu sữa cho vào mồm, nó đều nuốt sạch, hầu như không biết chán. Xét về mặt tham ăn, nó giống hệt Cương lúc còn nhỏ. Nghĩ điều này, anh tủm tỉm cười, định cúi xuống hôn thằng nhỏ, không dè tấm mền bao quanh nó, bị nó “tè" ra lúc nào không biết, đã ướt sũng nước. Cương rút tấm mền ném vào chậu giặt, rồi phủ lên người đứa bé lấm đắp mới mua sực nức hương thơm. Anh treo mấy thứ đồ chơi ngộ nghĩnh vừa đúng tầm nhìn của đứa bé, và sau khi thu hút sự chú ý của nó, anh rón rén đi giặt tấm mền. Điều lạ lùng khiến tay anh như bị điện giật là góc trái tấm mền này có một lớp vải may chồng lên, trong đó có đặt vật gì hơi khác thường. Cương lấy lưỡi lam rạch đường may, thọc tay vào, và thật bất ngờ, anh rút ra một mảnh giấy, đã viết sẵn trên đó ngoằn ngoèo mấy dòng chữ “Mong người hảo tâm nuôi dưỡng thật tốt thằng bé khốn khổ này. Mỗi tháng tôi sẽ đóng góp hai trăm đồng nhân dân tệ. Xin liên hệ số điện thoại 62007788-37579. Vô vàn biết ơn!". Vậy là hơn mình, thằng nhỏ này còn có người thân! Cầm mảnh giấy lên tay, Cương miên man suy nghĩ, nước máy chảy tràn ra chậu giặt từ lúc nào, anh vẫn không hay biết.

Khi Cương bế thằng nhỏ ra đến trạm điện thoại thì mặt trời đã đứng bóng. Theo mã số ghi trên giấy, Cương nhấc máy lên, bấm số, và rất may, chỉ tích tắc sau đó, đã có hồi âm. Đó là một giọng nói trong trẻo, còn rất trẻ của một cô gái vùng Đông Bắc. Sau khi hẹn gặp lại Cương vào giờ này ngày mai, tại tiệm mì Lan Châu, cô gái chủ động tắt máy.


***

Tiệm mì này nằm ở trung tâm thành phố, cách nơi ở của Cương khá xa, nên để đến kịp giờ, anh phải thuê xe taxi. Đúng vào thời gian tan tầm, tiệm mì rất đông khách. Bế thằng nhỏ đi vòng phòng ăn một lượt, cuối cùng Cương cũng chọn được một chỗ ngồi áp sát cửa sổ, vừa thoáng khí, vừa dễ quan sát. Sau đó 10 phút, ở cửa chính chợt xuất hiện một người con gái trên 20 tuổi, thu hút ngay sự chú ý của mọi người với thân hình cân đối nở nang, mái tóc đen dài xõa xuống hai bên má bầu bĩnh, trắng hồng... không khó khăn lắm, cô gái đã nhận ra đứa bé trên tay Cương, cô đi thẳng tới chỗ ngồi của anh một cách tự tin, bình thản.

Như người vợ làm việc ở công sở đến tiệm mì này cùng dùng bữa với chồng con, cô gái kê ghế ngồi sát bên Cương một cách tự nhiên, rồi đưa tay lên chống cằm, hết nhìn anh lại nhìn sang đứa bé. Một lát, cô nói rất khẽ:

- Anh bế bé chặt quá, sợ nó khó thở. Anh nên lõng tay một chút, như thế này nè!

Cô gái nhận thằng nhỏ trên tay anh, bày anh cách bế con nít, rồi đột ngột cúi xuống hôn mãi lên đôi môi mềm mỏng của nó. Khi ngẩng đầu lên, hai bên má bầu bĩnh của cô đẫm đầy nước mắt:

- Mẹ hư quá, con tha tội cho mẹ!

Cô gái vội lấy khăn ra lau mặt, rồi hỏi nhỏ nhẹ:

- Anh chờ có lâu không?

- Tôi cũng vừa mới tới!

- Thằng nhỏ khóc nhiều không?

- Nó được cái ít khóc!

- Nó bú thế nào?

Cương tủm tỉm cười:

- Cái này thì khỏi chê! Nó... nó như tôi hồi nhỏ!

Một màu hồng thoáng hiện trên đôi má cô gái:

- Anh hồi nhỏ rất giống nó?

- Phải - Cương gượng cười - Nhưng thằng nhỏ này may mắn hơn tôi nhiều. Nó được nằm trên tay tôi, còn tôi thì lại nằm dưới đống tuyết, sau khi bị người ta vứt xuống đó!

- Trời ơi trời! Thiệt vậy sao anh?

Cô gái kêu lên thảng thốt, rồi cắn môi, ngồi lặng. Rất lâu, cô ngẩng đầu lên hỏi khẽ:

- Nghe giọng nói, anh cũng là người Đông Bắc?

- Vâng, tôi được sanh ra ở đó, rồi trôi dạt, trôi dạt mãi tới xứ này, cũng lâu lắm rồi!

- Còn cô? - Cương dè dặt hỏi.

- Cũng như anh thôi, gió mưa đưa đẩy... - Trầm ngâm một lát, cô gái hỏi ngập ngừng:

- Anh đã có gia đình chưa?

- Chưa!

- Hiện giờ anh ở với ai?

- Một mình!

Cô gái không hỏi nữa, trao lại thằng nhỏ cho Cương bế, cô kêu người hầu bàn lại, dặn làm cho cô hai tô mì, một lớn, một nhỏ, rồi khi người đó đi khuất, cô mở ví đầm lấy ra hai trăm đồng nhân dân tệ:
- Anh cầm lấy số tiền này nuôi cháu thay tôi. Tôi sẽ cố làm ăn để đóng góp nhiều hơn nữa. Tháng sau, cũng vào ngày này chúng ta sẽ gặp nhau tại đây. Được không?

- Được! - Cương bỏ tiền vào túi, rồi ngước lên hỏi - Cô cũng làm việc ở thành phố này?

- Làm công việc gì vậy? - thấy cô gái đỏ mặt. Cương cảm thấy hơi ngượng vì câu hỏi thiếu tế nhị của mình, anh liền hỏi tiếp - Có vất vả lắm không?

- Thời buổi này kiếm được đồng tiền là phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt chớ dễ dàng gì!

Chợt thấy hai tô mì vừa được mang tới, đặt trước mặt mình, cô gái vội lên tiếng:

- Thôi, ta ăn đi anh. Anh đưa bé cho tôi!

Cương trao đứa bé cho cô gái. Nhìn sang bàn ăn gần đó. Cương thấy người vợ bế con nhỏ, ngồi sát bên chồng, cả hai người cùng cúi xuống ăn mì đang bốc khói nghi ngút, lòng anh chợt chùng lại với bao cảm giác nôn nao, xao xuyến...

- Nào! Ta ăn đi anh! - Giọng cô gái chợt vang lên, kéo anh trở lại thực tại - Tô lớn là của anh, còn tôi, tô nhỏ!


***

Tên cô gái là Diễm Lệ, từ Đông Bắc vào thành phố này “lập nghiệp” đã trên một năm. Gọi “lập nghiệp” cho oai, thực ra, cô làm nghề hầu bàn trong một nhà hàng ăn chơi khét tiếng. Nhờ trẻ trung, nhan sắc “chim sa cá lặn” của cô, khách thập phương kéo đến đây đông nghịt. Nhà hàng nhờ cô mà giàu lên trông thấy, nhưng đối xử với cô lại quá tệ bạc. Tiền chưa kịp đến tay, đã sớm bị chia bảy chia ba. Chỗ nghỉ của cô chỉ là một căn phòng nhỏ hẹp, nóng bức, vốn là kho chứa than của nhà bếp. Với số tiền kiếm được, cô phải tằn tiện chi tiêu. Hằng tháng gởi ba trăm đồng nhân dân tệ ra Đông Bắc cho người cha già đang lâm bệnh nặng, và bây giờ, hai trăm đồng cho thằng bé. Nhà hàng này mặc dù có giấy phép, nhưng làm ăn phi pháp, nên phải dùng bọn xã hội đen làm bảo kê. Hằng tháng, các cô gái ở đây như Diễm Lệ phải mời chúng nhậu một bữa ra trò, và mỗi cô phải chuẩn bị một phong bì tiền mặt để cống nộp cho chúng.

Trưa nay, sau khi gặp Cương ở tiệm mì Lan Châu, đi bưu điện gởi tiền cho người cha ở Đông Bắc, Diễm Lệ trở lại nhà hàng với dáng vẻ mệt mỏi, rã rời và trong tâm trạng buồn chán chưa từng có. Cô vừa đặt mình xuống giường để nghỉ cho lại sức thì chủ nhà hàng đã réo gọi lên gấp tầng 13 để tiếp khách “sộp”. Từ chối mãi không được, cô phải đi. Đó cũng là lúc ở tầng 1 xuất hiện đám bảo kê do tên Tứ cầm đầu. Chúng đến đây theo lịch “đúng hẹn lại lên”, và đối tượng hầu hạ chúng từ A đến Z là các cô gái làm thuê ở đây - những người đã từng bị bắt buộc ăn nằm với chúng trong nhiều năm tháng. Bên cạnh mâm ăn ê hề rượu thịt và đám bảo kê dưới quyền gồm những tay đầu trộm đuôi cướp, tên Tứ luôn miệng hò hét, chửi rủa inh ỏi. Hắn nắm tóc một cô gái là dân Tứ Xuyên, hất cằm cô lên, rồi thét:

- Con điếm Đông Bắc trốn đâu?

- Chị Lệ có việc ở tầng 13!

- Việc ấy ai giao?

- Ông chủ!

- Mẹ nó - Tên Tứ xô cô gái té sấp xuống đất, quát lớn - Tụi bay là một lũ chó má, một bầy ăn hại! Nào, hãy nói cho ông nghe, hôm nay là ngày gì?

Một cô gái ấp úng:

- Là ngày tụi em hầu hạ các thầy!

- Biết vậy, sao con điếm Đông Bắc lại trốn?

- Không, chị ấy được chủ giao việc đàng hoàng!

- Không được cãi! - Tên Tứ xô cô gái về hướng cửa phòng, rồi ra lệnh - Lên ngay trên đó lôi cổ nó xuống. Nếu không có nó, mày sẽ thế mạng!

Độ 10 phút sau Diễm Lệ bám gót cô gái vào phòng 1, tầng 1, nơi Tứ và đồng bọn đang vừa ăn nhậu, vừa thỏa thích sờ mó các mỹ nữ. Vừa thấy Diễm Lệ xuất hiện, tên Tứ liền nhảy dựng lên như con thú say mồi. Hắn rút dao, chia thẳng về hướng cô, đôi mắt hắn long lên sòng sọc, đỏ rực những tia máu:

- Hôm nay là ngày gì, hả con điếm?

- Không biết!

- Hỗn láo! Có thực là mày không biết không? - Tên Tứ đi tới, nắm tay Diễm Lệ lắc thật mạnh - Này, tiền bán Nhân của mày để đâu, đưa cho ông ngay!

- Hết rồi! Số tiền ấy tôi đã vét tới đồng cuối cùng để nuôi thằng nhỏ bị ông bỏ rơi rồi! Ông hiểu chưa?

- Nói bậy ! - Tên Tứ lồng lên, co chân đá mạnh vào mâm cơm khiến chén bát văng tứ tung, rồi thọc thẳng mũi dao vào đuôi mắt trái của Diễm Lệ.

***

Tiền trong túi đã cạn dần, mà nhu cầu nuôi dưỡng thằng nhỏ ngày càng tăng, nên Cương phải xoay xở làm ăn để hằng ngày có đồng ra đồng vào. Nhờ sáng dạ và khéo tay, anh lập ra điểm vá, sửa xe, đặt dưới gốc cây đa ven đường, đối diện với chung cư X - nơi anh đang ở. Để chân tay rảnh rang hành nghề, anh đến cửa hàng thiếu nhi mua về một chiếc xe nôi dành cho thằng nhỏ. Hằng ngày, mỗi lần ra đi và trở về, trên người Cương là cả một thế giới thu gọn. Ngoài chiếc nôi và thằng nhỏ, anh mang theo lỉnh kỉnh các thứ bao bị: bao để tã lót, tấm đắp, đồ chơi trẻ con; bao đựng sữa, nước cho thằng nhỏ và thức ăn trưa của anh; bao chứa đồ nghề sửa, vá xe các loại... Chỗ làm của anh ở ngay dưới bóng mát ven đường, lại thêm thằng nhỏ dễ thương ngày ngày nằm ngoan trên chiếc xe nôi xinh xắn, nên dễ thu hút khách. Mỗi lần đến sửa, vá xe, ai cũng chơi với thằng nhỏ và đều hỏi Cương nó là gì của anh. Với khách quen, anh nói đó là con út của người chị vừa qua đời ở dưới quê. Với khách lạ, anh khoe nó chính là đứa con đầu lòng của mình, và liền theo đó, trên môi anh bừng nở nụ cười thật tươi, thật mãn nguyện. Khi có người hỏi bà xã của anh hiện ở đâu và làm gì, anh chỉ cười nhạt, rồi nhìn ra bao la trời đất với ánh mắt đượm buồn. Thực ra, không đợi người ta nhắc mới nhớ, mà đã nhiều đêm ngày, từ sau cuộc hội ngộ đầu tiên với cô gái, hình bóng người đẹp Đông Bắc luôn ẩn hiện trong trái tim anh. Anh nhớ khuôn mặt bầu bĩnh, làn da trắng mịn, mái tóc đen tuyền, bộ ngực đầy đặn, nở nang ẩn sau lớp áo màu tím. Anh nhớ lời thủ thỉ thầm thì của cô rót vào tai mình như lời người vợ hiền: “Thôi, ta ăn đi anh! Tô lớn là của anh, còn tôi tô nhỏ!”...


***

Đúng hẹn, kim đồng hồ vừa chỉ 11 giờ, Cương đã bế thằng nhỏ lên xe taxi đến tiệm mì Lan Châu. Diễm Lệ đã đến trước, đang ngồi cạnh chiếc bàn áp sát cửa số - nơi hai người gặp nhau trong tháng trước. Khi chạm mặt nhau, cô gái nở nụ cười rất tươi:

- Anh đưa bé cho tôi bế!

Liền theo đó, cô gái kéo chiếc ghế tới sát chỗ mình, ra hiệu cho anh ngồi, rồi dặn người hầu bàn làm hai tô mì, vẫn như cũ, một lớn, một nhỏ. Cô gái tỏ ra vui vẻ, hồn nhiên, và có phần sôi nổi hơn lần gặp trước. Nhưng dường như những biểu hiện đó không qua được cặp mắt quan sát tinh tường của Cương:

- Cô vẫn khỏe đấy chứ?

- Khỏe! Cảm ơn!

- Vẫn bình yên?

- Vâng, rất bình yên!

- Không đúng! - Cương lắc đầu, rồi chỉ tay lên vết thâm chưa lành hẳn ở đuôi mắt trái của Diễm Lệ - Không đúng! Với tôi, cô phải nói thật, không nên giấu giếm bất cứ điều gì!

Cô gái cúi đầu, ngồi lặng. Một lát đợi các khách hàng ngồi ở các bàn bên cạnh vừa đi khuất, cô ngẩng mặt lên, nhìn thẳng vào mắt anh:

- Anh có thật tin tôi, người đồng hương của anh không?

- Tin !

- Vậy thì, không giấu anh điều gì, tôi sẽ nói hết!

Bất chấp nước mắt tuôn chảy như suối xuống hai bên má, cô gái đã thuật lại cho Cương nghe những gì đã trải qua trong cuộc đời của mình, từ việc bỏ quê vô đây làm gái hầu bàn, bị tên Tứ "bảo kê" hãm hiếp, sanh ra đứa con không được hắn thừa nhận, đến việc hắn dùng dao nhọn đâm vào khóe mắt cô ngay tại bàn nhậu, bạn bè ở nhà hàng phải đưa cô đi cấp cứu...

Cô gái vẫn kể với giọng đều đều, chàng trai vẫn chăm chú nghe, bất kể thời gian qua rất nhanh và hai tô mì đặt trên bàn đã nguội. Vén tay áo xem đồng hồ, cô gái vội mở ví đầm lấy ra hai trăm đồng nhân dân tệ, rồi lặng lẽ nhét vào tay Cương. Anh lắc đầu giữ tay cô lại:

- Cô hãy giữ lại mà dùng!

Cô gái kinh ngạc:

- Bộ anh tính trả lại thằng nhỏ cho tôi, có phải không?

- Ừ! - Cương nói với vẻ mặt rất lạnh.

- Chết tôi rồi! - Cô gái kêu lên thảng thốt - Không có người tốt như anh giữ nó, tôi biết trao nó vào tay ai bây giờ? Chẳng lẽ...

- Hả? Cô nói cái gì? Cô định bỏ nó lại trong tiệm mì ấy à?

Cô gái cắn răng, làm thinh.

- Hay là cô ném nó ra đường, vứt nó xuống đống tuyết? - Giọng nói và cả thân người chàng trai chợt run bần bật như sắp lên cơn sốt - Cô nói đi chứ?

Cô gái cúi đầu, siết thật chặt thằng nhỏ vào lòng, rồi khóc nức nở.

Dường như cầm lòng không được trước tiếng khóc xé ruột xé gan của người con gái, Cương đặt nhẹ bàn tay mình lên vai cô:

- Lệ à!

- Dạ!

- Em hãy nghe anh!

- Dạ!

- Em hãy đưa con về ở với anh, có rau ăn rau, có củ ăn củ...

Cô gái cắn răng, khẽ gật đầu, rồi siết thật chặt đầu con vào lòng. Không biết có phải vì mẹ mạnh tay hay nước mắt của mẹ đã thấm ướt tấm đắp, thằng nhỏ đang ngủ say, chợt giật mình tỉnh dậy, mở mắt nhìn hai người, nhưng nó không khóc.


***

Theo sắp xếp của chàng trai, Diễm Lệ sẽ xin thôi việc ở nhà hàng Hướng Dương, sẽ về ở với anh trong căn phòng nhỏ trên tầng thượng chung cư X. Điểm sửa, vá xe của anh dưới gốc đa đang được khách hàng tín nhiệm. Nếu có Diễm Lệ ở bên cạnh trực tiếp chăm sóc thằng nhỏ, anh sẽ kiếm đủ tiền trang trải mọi chi phí, kể cả ba trăm đồng gởi ra Đông Bắc cho người cha của Diễm Lệ.

Sáng nay, theo kế hoạch: Cương bế thằng nhỏ đến nhà hàng để đón Diễm Lệ, phụ mang vali, túi xách của cô ra xe taxi để chở về nhà mình. Khi anh và thằng nhỏ ngồi đợi trên chiếc ghế dài ở tiền sảnh nhà hàng thì đột ngột có một chiếc ô tô màu mận chín đổ xịch trước sân, và từ đó, lù lù chui ra ba tên xã hội đen, mặt mày dữ dằn, bặm trợn. Một tên, có lẽ là tên cầm đầu, được đàn em nhường lối cho đi trước. Khi tới gần chỗ ngồi của Cương, hắn đột nhiên đứng sựng lại, rồi nhìn chăm chăm thằng nhỏ đang ngủ say trên tay anh. Một lát, hắn quay lại rỉ tai đồng bọn, đưa tay ra hiệu đủ thứ rồi mới chịu đi thẳng vào bếp ăn của nhà hàng. Lúc bây giờ còn sớm, nên ở đây vắng người.

Trong căn phòng vốn là kho chứa than trước đây của nhà hàng Diễm Lệ đang xếp quần áo bỏ vào vali. Do tất bật với công việc, nên bộ quần áo ngủ rất hở hang trên người, cô chưa kịp thay, để lộ ra bộ ngực nở nang và da thịt trắng ngần. Tên Tứ đã xuất hiện trước cửa. Hắn dang rộng chân chắn cả lối ra, rồi cưới sằng sặc:

- Con điếm Đông Bắc, hãy mở mắt ra thật to để nhìn cho rõ người này là ai?

- Cô gái giật mình, quay lại, liền phát hiện trên tay tên Tứ có con dao nhọn, con dao từng đâm vào khóe mắt trái của cô bên bàn nhậu hôm nào.

- Ông muốn gì? - Cô gái nghiêm mặt lên tiếng.

- Ông muốn mày! - Tên Tứ vừa cười nham nhở, vừa đập nhẹ tay lên cán dao - Có thích không? Tao chắc là mày sẽ rất thích!

- Đừng hòng! Ông đụng đến tôi, tôi la lên bây giờ!

- Tao thách mày đó! - Tên Tứ lại vung dao lên múa may loạn xạ - Nè, hãy căng tai ra mà nghe tao hỏi.

- Hỏi cái gì?

- Mày định bỏ tao để theo trai có phải không?

- Nói bậy! Tôi chỉ về với chồng con của tôi thôi!

Tên Tứ rống lên:

- Con của mày có phải là thằng nhỏ mà mày đã khai ra trong bữa nhậu?

- Đúng!

- Sao mày bảo nó chính là con của tao kia mà!

- Làm gì có chuyện đó! Ông nghe lầm rồi! Nó là con của chồng tôi!

Tên Tứ điên tiết, phà ra nồng nặc hơi rượu:

- Vậy đứa nào là chồng mày? Nó ở đâu? Làm gì? Có phải như người ta nói, nó là thằng khố rách áo ôm, đang ngồi vá xe ngoài đường?

- Ông không được xúc phạm người khác, nhất là người đó lại có tư cách đứng đắn hơn ông!

- Mày không được dạy tao!

Tên Tứ ném con dao xuống đất, rồi nhào tới vật Diễm Lệ xuống giường. Bị thân hình to béo của nó đè lên người, cô muốn ngộp thở. Cô giẫy dụa, cố lấy sức vùng dậy thật mạnh và rất may, cô đã thoát khỏi vòng tay của hắn. Cô la lớn:

- Tôi bị hãm hiếp! Bớ người ta! Tôi bị hãm hiếp!

Không dè bị cô gái xoay chuyển tình thế nhanh như vậy, tên Tứ sựng lại trong giây lát. Ngó ra ngoài, không thấy có ai đến cứu, hắn lại nhào tới, xô cô gái ngã sấp xuống giường, lật ngửa cô ra, rồi lột hết quần áo trên người cô. Cô gái chống trả quyết liệt, nhưng dường như sắp đuối sức. Đó càng là lúc từ tiền sảnh nhà hàng, Cương vừa bế thằng nhỏ, vừa tông mấy lớp cửa chạy vào theo tiếng kêu cứu rõ ràng là tiếng kêu của Diễm Lệ, không ai khác.

Cương nhặt con dao lên, rồi thật bất ngờ, anh đâm liền mấy nhát thật mạnh, thật sâu xuống giữa lưng tên Tứ. Hắn giẫy đành đạch mấy cái, rồi tắt thở.


***

... Cương bị khép tội tử hình. Hôm anh còn nằm trong ngục. Diễm Lệ có bế thằng nhỏ đến thăm anh. Sắp gần kề với cái chết mà Cương vẫn điềm nhiên, thanh thản, vẫn chuyện trò vui vẻ với người thân thiết nhất. Anh bảo: "Diễm Lệ hãy ráng nuôi con khôn lớn, nên người, vì thằng nhỏ này là đứa con đầu lòng, là người thừa kế duy nhất của anh! Cương càng nói, cô gái càng tủi thân. Tiếng khóc thảm thiết của cô xao động cả đất trời, nhưng Cương cố nuốt niềm thương đau vào lòng, anh cố tỏ ra không mềm yếu trước mặt cô gái. Nắm thật chật bàn tay thon nhỏ của Diễm Lệ qua song sắt nhà tù, anh an ủi: "Đừng khóc nữa! Người vợ hiền của anh, người tình tuyệt vời của anh! Em hãy đứng thẳng người mà sống, mà nhớ tới anh. Em làm được không?”.

Buổi sáng Cương ra pháp trường, vì sợ hai mẹ con khiếp sợ trước tiếng súng, anh khuyên Diễm Lệ không nên đến, dù đó là giây phút cuối được thấy nhau giữa hai người. Để giữ lời hứa với anh, Diễm Lệ không đến. Cô bế con lên taxi đến thẳng tiệm mì Lan Châu ở trung lâm thành phố. Cô chọn cái bàn áp sát cửa sổ, nơi Cương và cô từng ngồi bên nhau, rồi kêu người hầu bàn đem lên hai tô mì, và vẫn như cũ một lớn, một nhỏ. Không hiểu sao, thằng nhỏ có cái gì khác thường khi vào tiệm mì lần này. Nó khóc mãi, cứ nhìn cái ghế trống đặt bên cạnh mà khóc! Diễm Lệ vội cúi xuống ru con bằng câu hát ru quen thuộc của vùng quê Đông Bắc:

“Gió mưa đưa đẩy đôi ta
Anh vô ngõ cụt, em ra đường cùng
Chờ ngày hết kiếp lao lung
Vầng trăng đã lặn, mùa xuân đã tàn!”.

Tiếng ru vừa dứt, cô gục mặt xuống bàn khóc nức nở. Phải đến mấy phút, sau khi lấy lại bình tĩnh, Diễm Lệ đặt tô mì lớn trước chiếc ghế để trống, còn tô nhỏ cô để ngay trước mặt mình. Giọng cô khẽ rung lên trong tiếng nấc nghẹn ngào:

- Nào, ta ăn đi anh! Anh tô lớn, em tô nhỏ! Mà... phải cố ăn cho hết,... ăn cho hết nghen anh!


(KTNN)

3 comments

  1. bienmuadong

    September 30, 2010 at 9:16 AM  

    Đọc xong vã cả mồ hôi lạnh, thương thay cho một chuyện đời - chuyện tình :((

  2. vohinhlangtu

    September 30, 2010 at 10:07 PM  

    Ờ, đời còn nhiều cái trái ngang hơn thế :)

  3. Autumnwind

    October 11, 2010 at 12:11 AM  

    Lạ mà cũng không lạ, nhiều lúc cứ phải bấu vào sợi tóc mà sống như thế...
    Bác nào có câu:"Hạnh phúc là khi có một việc gì đó để làm, một điều gì đó để hy vọng và có một ai đó để yêu thương" có lẽ nên sửa thành "...và quan trọng nhất là có một ai đó để yêu thương".

    :)

Post a Comment

Bạn có thể chèn các biểu tượng cảm xúc cho lời bình của mình bằng cách gõ các ký tự như bảng chỉ dẫn sau:
:) :D :)) =)) ;)) ;;) ;) :p :X :-* :">
:( :(( =(( :-o 8-} >:) B-) 8-X :-" :-w More...