"Dù bị đau đớn quằn quại, tôi vẫn tha thiết yêu thương trần gian điên dại này"


Phóng viên: Bò ơi, anh đi đâu về thế?

Bò: Tôi vừa dự buổi ra mắt một bộ phim.

Phóng viên: Lại phim? Sao anh cứ suốt ngày phim?

Bò: Nhà báo thấy như vậy, đáng lẽ phải mừng chứ? Không lẽ suốt ngày tôi đi ra mắt quán bia hay quán rượu thì mới vừa lòng?

Phóng viên: Thôi được. Vậy anh xem phim gì?

Bò: Một bộ phim lịch sử, cổ trang.

Phóng viên: Anh thấy nó khá không?

Bò: Chuyện ấy xin để người xem phán xét. Người xem, có lẽ đấy mới là cái đích cuối cùng của tác phẩm, chứ không phải nhà báo hay các nhà chuyên môn.

Phóng viên: Vâng. Thế các nhà chuyên môn nói gì?

Bò: Tất nhiên là nhiều ý kiến. Nhưng có một ý khen ngợi khiến tôi đồng tình nhưng hơi buồn. Đó là bộ phim ấy thuần Việt".

Phóng viên: A, thuần Việt. Đó là một phẩm chất rất quý.

Bò: Tôi hoàn toàn tin là rất quý. Nhưng tôi cứ nghĩ, đáng ra đó phải là một yếu tố đương nhiên.

Phóng viên: Xin anh nói rõ ý này?

Bò: Khen tác phẩm ấy thuần Việt, nghĩa là đã có những tác phẩm không thuần Việt, đúng không nào?

Phóng viên: Hình như đúng.

Bò: Tôi xin nhắc lại, sự thuần Việt của phim Việt, cũng như thuần Pháp của phim Pháp hay thuần Mỹ của phim Mỹ là những phẩm chất hoàn toàn tự nhiên, tự nó đáng ra phải có. Bởi bất kỳ ai có học thức đôi chút đều biết rằng văn hóa cần đa dạng, và sự đa dạng này dựa trên những bản sắc độc đáo rất mạnh.

Phóng viên: Vâng.

Bò: Không có gì nguy hại cho điện ảnh hơn nếu như tất cả các bộ phim đều có đặc trưng giống nhau. Nói cách khác, việc giữ gìn bản sắc là việc của tất cả các quốc gia, các nền điện ảnh chân chính chứ không phải của riêng chúng ta.

Phóng viên: Vâng.

Bò: Chưa kể do quá trình đấu tranh giành và giữ vững nền độc lập của Việt Nam rất gian khổ, nên việc làm sao cho có một nền văn hóa thuần Việt phải đặc biệt được coi trọng.

Phóng viên: Chính xác.

Bò: Vậy mà không hiểu tại sao, gần đây xuất hiện một số bộ phim lai căng. Người xem lờ mờ cảm thấy một số bộ phim ấy, không Việt Nam từ ý đồ cho tới cách thể hiện.

Phóng viên: Lý do của điều này ở đâu?

Bò: Có rất nhiều. Một là trình độ kém. Hai là bản lĩnh kém. Ba là ý thức dân tộc kém. Bốn là tưởng những sự bắt chước đó hay.

Phóng viên: Anh không nên quá khắt khe, anh Bò. Anh chắc hiểu hôm nay thế giới đang toàn cầu hóa sự giao lưu và ảnh hưởng lẫn nhau trong nghệ thuật rất dễ xảy ra.

Bò: Chẳng những dễ xảy ra, mà tôi nghĩ nó còn nên khuyến khích. Nhưng có một khoảng cách rõ ràng giữa hội nhập và bị thao túng cũng như có khoảng cách rất khác biệt giữa tính hiện đại và tính bị lệ thuộc. Ngay cả khi văn hóa nước ngoài có nhiều những phẩm chất tốt (và chắc chắn như vậy) thì nhiệm vụ của một nghệ sĩ chân chính vẫn là tìm ra và xây dựng những giá trị của riêng dân tộc mình chứ không phải chỉ chạy theo họ. Tôi hoàn toàn tin chắc về vấn đề này.

Phóng viên: Tôi cũng đồng ý với anh.

Bò: Quay lại bộ phim tôi vừa xem. Tại sao người ta có cảm giác nó "thuần Việt"? Có nhiều nguyên nhân, nhưng theo tôi một nguyên nhân quan trọng là người xem đã đối chiếu với những cảm giác khác khi xem những bộ phim khác. Và những bộ phim kia đã không "thuần" ở nhiều mức độ. Nếu trao giải "thuần Việt" cho phim ấy chắc cũng xứng đáng. Nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao phải có giải này, và ai là kẻ phải chịu trách nhiệm khi tính "Việt" được chuyển từ hiển nhiên đến… cần khen?


Lê Thị Liên Hoan






0 comments

Post a Comment

Bạn có thể chèn các biểu tượng cảm xúc cho lời bình của mình bằng cách gõ các ký tự như bảng chỉ dẫn sau:
:) :D :)) =)) ;)) ;;) ;) :p :X :-* :">
:( :(( =(( :-o 8-} >:) B-) 8-X :-" :-w More...