Phóng viên: Thưa anh Bò, có việc gì mà nom anh buồn thế?
Bò: Nhà báo ạ, Bò tuy là một con vật nổi tiếng vô tư, nhưng thực ra tâm trạng trầm ngâm là tâm trạng chủ yếu của Bò. Và từ trầm ngâm tới buồn chỉ là một bước rất ngắn. Có lẽ cho tới phút này, chỉ có trên hộp phômai Bò mới cười mà thôi.
Phóng viên: À, tôi biết. Phômai là một món ăn ngoại.
Bò: Tôi cũng đang suy nghĩ về ngoại đấy, anh ạ.
Phóng viên: Vì sao anh suy nghĩ?
Bò: Vì sau thất bại vừa rồi của đội tuyển bóng đá Việt Nam, lại rộ lên một số ý kiến nói rằng ta cần đưa vào những cầu thủ ngoại nhập tịch.
Phóng viên: Điều ấy nghe ra cũng có lý.
Bò: Thậm chí có cả tình. Vì về mặt luật pháp, những cầu thủ ngoại nhập tịch đều đã là công dân Việt Nam, có quyền bình đẳng với mọi công dân khác và không ai được phép nghi ngờ tình cảm của họ được khát khao cống hiến cho quê hương mới.
Phóng viên: Vâng.
Bò: Nhưng chúng ta hãy bình tĩnh, xem ngoài lý và tình ra, trên đời còn gì khác nữa không?
Phóng viên: À, đối với dân mê bóng đá, có lẽ còn kết quả trận đấu.
Bò: Tôi biết. Khi thua một trận đấu trên sân người ta muốn phục thù. Nhưng bóng đá có phải là một môn thể thao toàn diễn ra trên sân hay không? Tôi e rằng không phải vậy. Bóng đá là thể thao, và mục đích cuối cùng của thể thao chân chính là phát động một sự rèn luyện trong toàn xã hội.
Phóng viên: Chứ không phải kết quả những trận đấu và số lượng những tấm huân chương?
Bò: Đúng thế. Có nhiều nhà phân tích đã chứng minh rằng dù Trung Quốc có đạt được bao nhiêu huy chương ở Thế vận hội hay Á vận hội, thì họ cũng còn lâu mới là một cường quốc thể thao. Xét theo số lượng sân tập, mức độ quảng bá và số lượng dân chúng tham gia luyện tập.
Phóng viên: Nghĩa là theo anh, một nền bóng đá của một quốc gia có thể vẫn chưa phát triển dù đội tuyển của họ chiến thắng?
Bò: Hình như thế đấy. Nếu nhìn về phương diện xã hội thì số lượng bàn thắng không phải là cái đích, hay nói chính xác hơn, không phải là cái đích duy nhất hoặc to nhất.
Phóng viên: Ý anh là gì?
Bò: Ý tôi là nếu ta gọi nhiều cầu thủ nhập tịch vào đội tuyển quốc gia (và quá trình nhập tịch này, nói thẳng ra, cũng có vài vấn đề) ta có thể làm tăng sức mạnh của đội tuyển, nhưng sẽ làm yếu đi niềm tin và lòng tự hào.
Phóng viên: Có thể anh đúng.
Bò: Ngay cả ở Philippines và Indonesia, hai quốc gia có thành tích nổi bật trong giải đấu vừa qua, đằng sau cơn ngây ngất chiến thắng, cũng có nhiều cái đầu tỉnh táo không vui vì thấy sự lấn át của các cầu thủ nhập tịch.
Phóng viên: Tôi biết. Ví dụ như tất cả các bàn thắng quan trọng của Indonesia đều do một cầu thủ không có dòng máu Indonesia ghi.
Bò: Khán giả khát khao chiến thắng, nhưng nếu chiến thắng của Việt Nam do một cầu thủ gốc Phi hay gốc Nam Mỹ làm nên thì niềm vui có trọn vẹn không?
Phóng viên: Chắc là không?
Bò: Sự xuất sắc của "ngoại binh" sẽ làm cho những "nội binh" có cảm giác mất tự tin, mất niềm khao khát vươn lên, theo tôi đó là hiện thực. Tại sao Thái Lan không nghĩ tới cầu thủ nhập tịch? Vì cho đến phút này, tôi đoán họ vẫn còn tin ở sức mình. Họ sẵn sàng thua một giải, chứ kiên quyết không thua trong xu hướng phát triển. Tôi nghĩ là chúng ta cũng nên suy nghĩ về điều ấy. Hiện nay, trên thế giới, số lượng đội tuyển quốc gia có cầu thủ nhập tịch luôn luôn rất ít, mặc dù rất nhiều câu lạc bộ mang tính toàn cầu. Đã vậy, phần lớn cầu thủ nhập tịch đều có một nữa dòng máu của quốc gia mới trong huyết thống chứ không phải hoàn toàn xa lạ.
Phóng viên: Nói tóm lại, trong việc này, anh phản đối hả anh Bò?
Bò: Xin thưa, đúng thế!
Lê Thị Liên Hoan
Post a Comment