Phóng viên: Anh Bò này, theo anh, bất hạnh nhất của một con Bò là gì?
Bò: Có lẽ là phải trở thành phở bò trong khi đang có những dự định lớn lao, nhà báo ạ.
Phóng viên: Thế bất hạnh nhất của một con người là gì?
Bò: Có lẽ là phải trở thành một nạn nhân không mong muốn.
Phóng viên: Anh nói cũng đúng, con người chúng tôi có nhiều loại nạn nhân lắm: nào nạn nhân lũ lụt, nào nạn nhân động đất, nào nạn nhân tai nạn giao thông...
Bò: Tôi biết. Những tai nạn ấy tuy rất thảm khốc, nhưng còn hiểu được. Điều tôi thấy kỳ lạ là có những người đột nhiên trở thành nạn nhân của báo chí.
Phóng viên: Nạn nhân báo chí? Ví dụ ai?
Bò: Ví dụ như ông Phó tổng giám đốc đài truyền hình.
Phóng viên: À. Vụ ông ấy thì tôi biết.
Bò: Đấy là một nhân vật tôi không quen. Nhưng nghe nói hình như có tài và có cả cá tính.
Phóng viên: Này anh Bò ạ, tài và cá tính, những phẩm chất chả phải lúc nào cũng gây thuận lợi cho nhau.
Bò: Tôi hiểu điều đó. Nhưng để tôi nói tiếp: Ông Phó Tổng giám đốc một ngày đột nhiên từ chức. Một chức vụ mà nếu nhìn bằng mắt thường, ai cũng thấy là "ngon" và bằng lối cư xử thông thường phần lớn người ta không làm như vậy.
Phóng viên: Ừ. Rồi sao nữa?
Bò: Rồi báo chí, nhất là các báo mạng, om lên vì chuyện kia. Họ nói nhiều đến mức khiến ông kia cảm thấy khó xử. Có nhiều lý do để một con người có năng lực bỗng nhiên rời khỏi chức vụ. Và không phải lý do nào anh ấy hoặc chị ấy cũng phải nói ra.
Phóng viên: Đúng vậy.
Bò: Nhiều ý kiến cho ông là anh hùng, nhiều ý kiến cho ông là tấm gương, nhiều ý kiến thì thầm cho rằng ông dại.
Phóng viên: Anh theo ý kiến nào?
Bò: Ý kiến tôi là hãy để người ta được yên, khi hành động người ta có thể đúng, có thể sai. Nhiều lúc đúng với xã hội nhưng sai với chính người ta hay ngược lại. Việc đổ xô vào có quá nhiều bình luận sẽ khiến đối tượng không còn cư xử theo ý mình nữa. Anh bỗng dưng bị một áp lực không hề mong muốn và không hề chuẩn bị áp đặt lên bản thân.
Phóng viên: Bò ạ, trường hợp đó nhiều báo đưa tin với ý định tốt thôi mà.
Bò: Tôi biết sự tốt ấy. Tôi cũng biết có những tờ báo chỉ muốn nhân chuyện từ chức của anh để phát động một phong trào "tự giác từ quan", coi đó là cách cư xử cần khuyến khích. Nhưng quan tâm thái quá, tạo ra một áp lực nặng nề như thế có nên chăng? Sau vụ này, tôi kinh hoàng phát hiện ra rằng "từ chức" không khó bằng "giải thích tại sao từ chức". Tôi tin chắc, những ai định theo tấm gương tốt họ thấy dư luận ầm ĩ như vậy cũng phải…sờn lòng. Cứ yên vị cho xong là hơn.
Phóng viên: Anh Bò này, trong vụ đó đúng là một số phương tiện thông tin đại chúng đã hơi quá. Nhưng suy cho cùng họ không ác ý. Họ chỉ muốn… đề cao một tấm gương.
Bò: Làm báo chân chính, có chiều sâu thì không bao giờ nên xử sự đơn giản như thế. Làm báo mà không nghĩ tới số phận từng con người nhỏ, sẽ chẳng khi nào hoàn thiện cho một đám đông to.
Phóng viên: Phó Tổng giám đốc đài truyền hình không phải là một con người nhỏ!
Bò: Sai! Tại sao cứ nhìn vào chức vụ. Tại sao không thấy đấy như là một người đàn ông nhỏ bé, cũng có yêu, có ghét, có thù, có đúng, có sai, như bao người khác? Chưa kể còn có gia đình. Tôi kiên quyết cho rằng trong việc này một số tờ báo đã không điều chỉnh, họ vội vàng khai thác số phận (vốn không phải bi kịch) của một cá nhân một cách tham lam.
Phóng viên: Anh Bò ạ, nếu như một bác nông dân tuyên bố từ chức thì chả ai nói làm gì. Đây là một vị trí lớn. Làm cao, khi xảy ra điều gì thì phải chịu áp lực cao, đấy cũng là lẽ thông thường thôi mà anh.
Bò: Cái thứ lý lẽ thông thường ấy nên dùng cho… Bò thôi nhà báo ạ. Vì Bò không đi học, và Bò không được giáo dục về tế nhị, về nhân đạo và về sự nhân bản trong việc đưa tin, vốn là những phẩm chất cao quý của một người làm báo lớn. Chừng nào còn vội vã và a dua chạy theo hiện tượng, chừng đó còn khổ nhiều người và nhiều… Bò!
Lê Thị Liên Hoan
Post a Comment