"Dù bị đau đớn quằn quại, tôi vẫn tha thiết yêu thương trần gian điên dại này"


Có một vị Đại gia ở tỉnh nhà, vị này gốc gác nguyên thủy vốn là nông dân, chữ nghĩa của ông thì hơi ít nhưng mà cái tài ma lanh biết chộp lấy thời cơ, sẵn sàng bằng mọi giá để đạt được mục đích thì thật không ai bằng. Do đó nên trong thời buổi nhập nhoạng tranh tối tranh sáng, cộng với cái may mắn của trời ban cho thì chẳng bao lâu sau quyền thế và tiền tài của ông nổi tiếng khắp cả một vùng.

Mà ở đời, thói thường khi người ta đã có quyền và tiền thì lại hay thích mang danh là có tâm hồn nghệ sỹ, chính vì vậy mà ông rất hào phóng tài trợ cho Hội văn nghệ của tỉnh nhà. Hội ta vì để lấy lòng vị Mạnh Thường Quân này và cũng đồng thời tưởng nhớ đến công lao của ông đã góp phần vào việc thúc đẩy sự nghiệp phát triển thơ văn của Hội, cho nên có một bữa họp tới họp lui và cùng đồng nhất trí đến 80% bầu ông làm Hội viên danh dự. Tại sao là lại chỉ 80% mà không phải là 100%? Ông cau có hơi thắc mắc hỏi ông chủ Hội. Ông chủ Hội cười khì khì bảo rằng:
- Sao ông khờ thế? Một trăm phần trăm để cho người ta tiếng ra tiếng vào à. Phải có một vài phiếu trắng, lại cũng có một vài phiếu chống để thể hiện Hội ta thật sự học tập tinh thần dân chủ chứ.
Ông cười khoái chí khen ông chủ Hội thật là túc trí đa mưu. Từ đó đi đâu ông cũng giới thiệu mình là Hội viên Hội văn nghệ của tỉnh nhà, một cách thật vô tình ông bỏ đi hai chữ..."Danh dự".

Vì đã là Hội viên, cho nên hễ Hội ta có họp hành hay hội nghị chi chi đó thì ông cũng được mời tham gia. Và cũng bởi vì vậy, lâu ngày nghe các vị trong Hội ngâm thơ và bình thơ ông đâm ra ghiền nặng và từ chỗ ghiền nặng ông ngẫm thấy để làm thơ thì cũng dễ chứ có khó quái gì đâu? Ông liền mời một nhà thơ của Hội chỉ bảo cho cách thức làm thơ. Nhà thơ liền tư vấn cho ông hiểu là thơ thì cũng có dăm bảy loại, đại khái nào là Đường thơ, Lục bát thơ, Tự do thơ, hỗn hợp các loại đó...vân vân và vân vân...Nhưng đặc biệt hơn cả là nếu ông làm thơ mà người ta đọc lên chẳng hiểu gì hết hoặc mỗi người có thể hiểu theo mỗi cách thì đích thị là thần thơ lưu danh hậu thế. Nhà thơ lấy ví dụ:
- Tỷ như cụ Nguyễn Du chẳng hạn, có những câu thơ như thế này:
Sè sè nắm đất bên đường
Dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh.
Ông có hiểu không?
- Không? Nhưng mà nghe tới sè sè tôi nghĩ tới... - Ông cười ha hả.
- Đó. Chính là ở chỗ đó. Thơ hay đọc lên là người ta phải không hiểu, hoặc có hiểu thì cũng không ra cái thâm thúy bên trong. Thường thì người như thế nào thì sẽ hiểu câu thơ như thế đó... - Nhà thơ chợt đột ngột dừng lại nhìn ông ta vì cảm thấy mình hơi lỡ lời. Ông thì không để ý đến lời nói của nhà thơ mà lúc này miệng cứ lẩm nhẩm hai câu thơ trên. Nhà thơ nhìn vẻ suy nghĩ của ông nói tiếp:
- Có một người khi bình hai câu trên đã nói thế này: "Chắc là chỗ đó vắng vẻ lại tiện cho chuyện...nên người ta hay vào và vì thế cỏ mới..." - Nhà thơ chưa nói hết ý liền bị ngắt lời.
- Đúng rồi. Tôi cũng nghĩ như vậy đó. - Ông ta cười hỉ hả khi thấy mình đã thấu hiểu hai câu thơ trên của Đại thi hào.
- ...

Sau khi nghe nhà thơ giảng giải một hồi về qui tắc làm thơ ông cũng tàm tạm nắm được. Trong các loại thì có vẻ là thơ Lục bát ông thấy xem ra có vẻ dễ làm và hợp với ông hơn. Thơ Đường luật ông nghe gì mà cứ bằng bằng trắc trắc cứ loạn cả lên như nổ súng liên thanh, rồi còn niêm luật khắt khe đối chữ đối nghĩa tùm lum, nên chắc là ông không thể làm được rồi. Thơ Tự do thì ông lại thấy không khoái vì nó y như viết văn, dài ngắn bất kỳ vần gieo tùm lum, hàng xuống ngẫu hứng nên có khi làm xong rồi chắc còn chả nhớ được thơ của mình làm ra. Được nhà thơ tập huấn chỉ dẫn và lấy ví dụ về thơ Lục bát cho một buổi, thì ông cũng đã phần nào nắm được cách làm thơ Lục bát.

Cảm thấy vui vẻ và thỏa mãn khi nghĩ tới thơ của mình, chỉ nay mai sẽ được ngâm và được bình như mọi người làm cho ông vô cùng phấn khích. Ông bèn móc điện thoại điện cho bộ sậu của Hội và cùng với nhà thơ hướng dẫn ông, đi một bữa nhà hàng rôm rả. Khi mọi người cụng ly đầy khí thế với ông, ai ai cũng nồng nhiệt chúc mừng nhà thơ mới và mong ông mau mau ra thơ để cho anh em trong Hội được mở mang thêm kiến thức.

Sau khi ông nhậu say đã đời về đến nhà, ngủ một giấc li bì cho tới chiều mới thức dậy thì ông cảm thấy khát nước. Vội vàng mở tủ lạnh để lấy nước uống thì vô tình ông làm nước nhểu ra sàn nhà. Mãi ngửa cổ uống nước ông không để ý nên một lát sau do bất cẩn ông lại dẫm vào bãi nước và trợt chân té xuống nền nhà một cái "Uỵch" thật đau điếng. Đau quá cho nên khi ông đứng dậy mà tay chân ông vẫn run run chưa vững, ông liền phát ra một câu:
- Tức mà tay chân run rẩy.
Bỗng ông chợt giật mình hét lên:
- Hay quá. Thơ đây rồi.
Sau một hồi điều qua chỉnh lại thêm bớt cho đúng theo kiểu lục bát thì câu thơ bây giờ là :
- Tưng tức tay rẩy chân run.
Ông gật gù thầm đắc ý và cứ mãi lẩm nhẩm câu đó cho đến tối. Trời thì tối đã lâu mà ông thì chưa nghĩ ra được câu thứ hai. Đến khi ra ngoài sân hít thở không khí trong lành, vì mãi nghĩ nên lúc con chó cưng cứ chạy mừng bám theo chân ông mà ông chẳng để ý và thình lình vấp vào nó, thiếu chút nữa thì nó làm cho ông té nhào xuống đất. Tức cái mình ông sút luôn cho nó một đá. Con chó kêu lên ăng ẳng sợ hãi đau đớn vội chạy đi. Ông chợt ồ lên mừng rỡ:
- Đá một phát sướng cả người. Chó kêu ăng ẳng...kêu ăng ẳng...
Sau một hồi suy nghĩ điều chỉnh thì ông có thêm ba câu như sau:
- Tưng tức tay rẩy chân run.
Đá chó một nhát ôi sướng run cả người
Chó la oăng oẳng rầm trời
Xả xong cái tức thì người hết run...

Ông cười ha hả liền vào nhà tự thưởng cho mình một lon bia. Ông giờ đang nghĩ trong đầu chỉ vài bữa nữa thôi, ông cho đệ tử in thơ của mình biếu cho mấy vị và nhắm mắt tưởng tượng những ánh mắt đầy khâm phục, tán thưởng của các vị trong Hội văn nghệ của tỉnh nhà về một con người đa tài. Thế là cho đến khi đi ngủ ông vẫn cứ ngâm mãi mấy câu trên. Đến lúc gần sáng, trong giấc mơ ông thấy mình đang ngâm thơ cho mọi người nghe và bất giác miệng của ông phát ra thành tiếng:
- Tưng tức tay rẩy chân run.
Đá chó một nhát ôi sướng run cả người
Chó la oăng oẳng rầm trời
Xả xong cái tức thì người hết run...

"Bịch". Có một tiếng động vang lên khe khẽ ở bên ngoài nhà ông. Sáng hôm sau ông vội thức dậy bởi tiếng la của người nhà:
- Có người chết...
Thì ra có một tên ăn trộm tối hôm đó cố leo lên tới tầng hai nhà ông, đang rình mò ở ngoài ban công. Khi nó chuẩn bị leo vào thì đúng lúc ông đọc thơ. Nó buồn cười quá đỗi nên vội lấy che tay lên miệng để nín cười, mà trong khi đó nó lại quên luôn rằng tay của nó còn đang bám vào thành ban công trên lầu để leo vô. Nó liền mất điểm tựa nên nó...té luôn xuống đất và...gãy cổ chết tươi.

Một bữa khi ông đang ngồi ăn sầu riêng ở nhà, thì có một người bạn làm ăn đến thăm ông. Sau khi mời khách an tọa và cùng ăn sầu riêng với mình thì một chặp, ông chợt nổi hứng lên mời khách nghe sáng tác mới của ông. Khách vui vẻ lịch sự mời ông đọc. Ông liền đứng dậy vừa đọc vừa mô tả:
- Tưng tức tay rẩy chân run. - Chân tay ông cũng run rẩy theo vần thơ.
- Đá chó một nhát ôi sướng run cả người - Ông giơ chân đá lên một phát.
- ....
Bỗng ông nghe có tiếng ặc ặc nổi lên. Mãi vừa mô tả vừa đọc tiếp thơ nên ông không để ý, một lát sau ông quay đầu lại nhìn ông khách, thì thấy ông khách mặt mày tím tái ngã nằm trên ghế, một tay ông khách thì quơ quơ vào không khí, còn tay kia thì đang bóp cổ. Hoảng hồn ông vội nhào tới để xem sự tình thì ông khách lúc này đã xuôi tay tắt thở. Hóa ra là vì trong lúc đang ăn sầu riêng, ông khách thấy ông vừa diễn tả vừa đọc thơ buồn cười quá nên không để ý và hột sầu riêng...lọt luôn vào cuống họng, gây ra...ngạt thở cho ông khách.

Sau đó chừng nửa tháng, trong khu vực của ông có một cuộc họp của các vị bô lão mừng ngày lễ, họ nghe tiếng ông là Hội viên văn nghệ của tỉnh nên cũng mời ông tham dự cho vui. Khi cuộc họp đang hồi khí thế đến lúc trao đổi thơ văn giữa các cụ, thì ông cũng xin góp vui mấy câu thơ và cũng xin các cụ gợi ý cho thêm mấy câu nữa. Các cụ liền vỗ tay ầm ầm cổ vũ chờ nghe ông đọc thơ. Ông lấy giọng tằng hắng một cách trịnh trọng và bắt đầu đọc:
- Tưng tức tay rẩy chân run.
Đá chó một nhát ôi sướng run cả người
Chó la oăng oẳng rầm trời
Xả xong cái tức thì người hết run...

Một cụ ông đang uống nước lúc này mắc cười quá, nên phun hết cả nước trong miệng vào người đối diện. Người này thì đang cầm cái cái ống điếu chuẩn bị làm một hơi thuốc lào, liền vội quay người né một cái vô tình quay cái ống điếu quất mạnh vào đầu một ông già đang ngồi gần đó trúng chỗ hiểm nên...ông kia lăn đùng ra...ngất xỉu, vào tới bệnh viện ít lâu thì...chết. Thế là từ đó mọi người ráp lại các sự kiện đã xảy ra với ông, nhỏ to lẫn nhau là hễ ông này mà đọc thơ thì chắc chắn...sẽ có người chết. Cả nhà và mọi người quen ông đều biết chuyện, nhưng vì sợ cái oai của ông và với lại tin đồn thì...luôn luôn vẫn chỉ là tin đồn, nên vì thế chẳng có ai hé miệng dám nói cho ông biết.

Và rồi một tháng sau, trong Hội có tổ chức một cuộc họp, lẽ tất nhiên là không thể thiếu ông. Sau khi đã phát biểu xong xuôi, ông xin đọc bài thơ của ông mà ròng rã cả tháng nay ông làm mãi mới xong. Chỉ có điều vừa nghe ông nói tới đọc thơ thì cả hội trường náo loạn, ghế bàn xô âm ầm, mạnh ông nào ông nấy vội đi nhanh như chạy ra khỏi hội trường. Chẳng mấy chốc thì nguyên cả cái hội trường chợt vắng ngắt, chỉ còn sót lại mỗi anh thợ chuyên lo về âm thanh đang lui cui chỉnh âm thanh nên ở lại cùng với ông.

Ông lấy làm lạ liền hỏi anh thợ, lý do là tại sao đương không mọi người bỏ đi ra ngoài hết trơn vậy? Anh thợ cứ ấp a ấp úng mãi cho đến khi ông móc túi cho anh ta ít tiền và hứa là sẽ không để bụng, nếu như anh ta nói ra sự thật, thì anh ta mới kể cái quái sự về thơ của ông mà người ta đã đồn ầm lên cho ông nghe.

Vài năm sau trong tỉnh nhà xuất hiện một ngôi chùa thật lớn. Khách thập phương về đây tham quan nghe mọi người kể là cái chùa này do ông xây dựng, để tích đức sau khi đã vô tình gây ra mấy cái chết oan. Cũng có người nói là sau cái vụ thơ thẩn ấy, hình như là việc làm ăn của ông có sự trục trặc không được thuận buồm xuôi gió cho nên nghe lời tư vấn của mấy thầy dùi, ông xây chùa để hành thiện. Cũng có người nói chẳng phải là thơ ông...làm chết người đâu? Có chủ ý cả đấy. Ông ta sợ báo oán nên xây chùa cứu mình...

Nói chung thì tin đồn luôn luôn...vẫn chỉ là tin đồn...



(Truyện của VanTienSinh)

0 comments

Post a Comment

Bạn có thể chèn các biểu tượng cảm xúc cho lời bình của mình bằng cách gõ các ký tự như bảng chỉ dẫn sau:
:) :D :)) =)) ;)) ;;) ;) :p :X :-* :">
:( :(( =(( :-o 8-} >:) B-) 8-X :-" :-w More...